LHQ: Thế giới đối mặt khủng hoảng nhân đạo lớn nhất sau Thế chiến II
Thế giới hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ Thế chiến II đến nay, khi hơn 20 triệu người ở 4 quốc gia đang phải sống trong tình trạng đói kém và thiếu lương thực, giới quan chức LHQ mới đây lên tiếng cảnh báo.
Ước tính có trên 1 triệu trẻ em ở Nam Sudan bị suy dinh dưỡng. (Nguồn: Newsweek).
Nếu không có các nỗ lực phối hợp chung toàn cầu, “nhiều người sẽ bị chết đoi” và “nhiều người khác sẽ bị chết bị dịch bệnh”, Stephen O’Brien, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của LHQ, nói trước Hội đồng Bảo an trong phiên họp tổ chức tại thành phố New York, Mỹ. Vị quan chức thúc giục các nước nhanh chóng góp vốn hỗ trợ các nước Yemen, Nam Sudan, Somalia và Đông bắc Nigeria để đảo ngược thảm họa này.
“Chính xác thì chúng ta cần khoảng 4,4 tỷ USD vào tháng 7 tới” - ông O’Brien nói.
Theo vị quan chức trên, nếu như không có nguồn tiền viện trợ này, rất nhiều trẻ em sẽ bị ảnh hưởng bởi nạn suy dinh dưỡng nghiêm trọng và sẽ không thể tới trường học, trong khi phát triển kinh tế cũng suy giảm, “tương lai và hy vọng sẽ vụt tắt”. Được biết, LHQ và các tổ chức lương thực thế giới sử dụng cụm từ “nạn đói” khi có trên 30% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và tỷ lệ tử vong do thiếu lương thực là 2/10.000 người mỗi ngày, ngoài các tiêu chí khác.
“Ngay từ đầu năm nay chúng ta đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đọa lớn nhất kể từ khi LHQ được thành lập năm 1945” - ông O’Brien nói - “Hiện tại, hơn 20 triệu người ở 4 quốc gia đang đối mặt với nạn đói”.
Theo LHQ, khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất hiện nay chính là ở Yemen, nơi có tới 2/3 dân số - tương đương 18,8 triệu người - đang cần được viện trợ và hơn 7 triệu người khác đang thiếu lương thực và không biết tìm các bữa ăn hàng ngày của họ ở đâu. Con số này đã tăng thêm 3 triệu người so với hồi tháng 1.
Yemen đang phải hứng chịu một cuộc xung đột khi Arab Saudi và Iran tổ khuấy động một cuộc chiến ở quốc gia Arab nghèo nhất thế giới này. Ông O’Brien nói rằng có trên 48.000 người tại quốc gia này đã phải chạy trốn khỏi chiến sự chỉ trong vòng 2 tháng qua. Trong chuyến thăm Yemen mới đây, ông O’brien đã gặp gỡ giới lãnh đạo cấp cao của chính phủ mà Arab Saudi hậu thuẫn và cả lực lượng nổi dậy người Shi’ite mà Tehran hậu thuẫn, cả hai phe đều cam kết mở tuyến đường viện trợ nhân đạo.
Trong năm 2017, thế giới sẽ cần khoản tiền 2,1 tỷ USD để hỗ trợ 12 triệu người dân Yemen, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 6% mục tiêu này được đáp ứng. Trước tình hình đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo về cam kết viện trợ cho Yemen vào ngày 25/4 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Ông O’Brien cũng đã tới thăm Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới đã phải hứng chịu cuộc nội chiến kéo dai 3 năm, và nói rằng “tình hình không thể tệ hơn được nữa”.
“Nạn đói ở Nam Sudan là do con người gây nên” - ông O’Brien nói - “Các phe phái trong cuộc xung đột ở nước này đã góp phần gây nên nạn đói”.
Ông cho hay có trên 7,5 triệu người dân ở quốc gia này đang cần viện trợ, tức tăng thêm 1,4 triệu người so với năm ngoái, và có khoảng 3,4 triệu người bị mất nhà cửa do chiến sự, trong đó bao gồm 200.000 người bỏ quê hương ra nước ngoài tìm kế mưu sinh tính từ tháng 1 đến nay.
“Ước tính có trên 1 triệu trẻ em đang bị suy dinh dưỡng ở Nam Sudan, trong đó có 270.000 trẻ em đang đối mặt với khả năng tử vong vì không được hỗ trợ kịp thời” - ông O’Brien nói - “Trong khi đó, dịch bệnh tả bùng phát từ tháng 6/2016 đã lan sang nhiều khu vực mới”.
Ở Somalia, có hơn một nửa dân số - tương đương 6,2 triệu người - đang cần được viện trợ nhân đạo và bảo vệ, trong đó gồm 2,9 triệu người đang đối mặt với nạn đói. Ngoài ra, có gần 1 triệu trẻ em ở độ tuổi dưới 5 dự kiến sẽ bị suy dinh dưỡng trong năm nay.
“Những gì mà tôi nghe và thấy trong chuyến thăm tới Somalia là rất đáng báo động - phụ nữ và trẻ em đi lang thang nhiều tuần liền để tìm thức ăn và nước uống. Họ đã mất hết nguồn lương thực dự trữ, nguồn nước thì khô cạn và không có gì để duy trì sự sống” - ông O’Brien nói - “Do không còn gì để mất, phụ nữ, trẻ em và đàn ông đã chuyển tới các trung tâm đô thị”.
Viễn cảnh này dường như đã tái hiện lại “bức tranh thảm kịch năm 2011 khi Somalia hứng chịu nạn đói khủng khiếp”. Tuy nhiên, các đối tác nhân đạo của LHQ cũng đã tăng cường hoạt động, quản lý tốt hơn các nguồn lực và phối hợp tốt hơn với chính phủ mới ở nước này.
“Chúng ta có thể xóa nạn đói này” - ông O’Brien nói - “Chúng ta đã sẵn sàng dù có nhiều nguy hiểm và rủi ro… nhưng vẫn cần có nguồn vốn viện trợ lớn”.
Ở Đông Bắc Nigeria, cuộc nổi dậy kéo dài 7 năm của tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã khiến hơn 20.000 người thiệt mạng và 2,6 triệu người mất nhà cửa. LHQ hồi tháng trước cho hay, nạn đói ở đây nghiêm trọng đến nỗi người lớn không còn đủ sức đi lại, trong khi tất cả trẻ sơ sinh đều tử vong.