Cơ chế bảo vệ người tố cáo

Việt Thắng (thực hiện) 13/03/2017 08:15

Một nguyên nhân khiến công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả cao trong thời gian qua chính là chưa phát huy được vai trò của người dân trong tham gia, tố giác. Trao đổi với ĐĐK, bà Trần Thị Dung- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Người tố cáo còn có người thân của họ. Chẳng hạn, khi biết con của người tố cáo thì các đối tượng sẵn sàng trả thù, trong khi bản thân người tố cáo không biết con của mình đang gặp nguy hiểm để yêu cầu được bảo vệ. Vì vậy bảo vệ ngườ

Bà Trần Thị Dung.

PV: Thưa bà, bà nhìn nhận như thế nào về việc thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến đề nghị ngoài tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp thì cần bổ sung các hình thức tố cáo như: fax, email, điện thoại. Tuy nhiên Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo vẫn chỉ quy định tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp?

Bà Trần Thị Dung: Tố cáo không chỉ là quyền công dân mà rộng hơn là quyền con người. Luật sửa đổi để bảo đảm cụ thể hóa Hiến pháp, thực hiện quyền con người và quyền nghĩa vụ của công dân. Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã thống nhất rằng vấn đề đặt ra là cần xem xét các hình thức tố cáo khác như fax, email, điện thoại chứ không chỉ bó gọn trong trực tiếp gửi đơn thư và phải ký. Thực tế đúng là có một số khó khăn của người có thẩm quyền trong việc xem xét, sàng lọc thông tin tố cáo. Nhưng rõ ràng cơ chế bảo vệ người tố cáo trên thực tế là chưa khả thi, chưa thực thi được; đó là bất cập hạn chế hiện nay của Luật hiện hành. Là vấn đề quan trọng vì liên quan đến cơ chế bảo vệ người tố cáo nên Luật sửa đổi hướng tới dành 1 chương và nhiều điều quy định cho bảo vệ người tố cáo.

Tuy nhiên hiện nay người dân mong muốn phát hiện và thông tin mình phát hiện gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét xử lý. Nếu quy định lúc nào cũng phải ký tên gửi đơn thư thì đó là khó khăn cho người tố cáo. Ở Nam Định có việc một ông đứng ra sẵn sàng tố cáo và nói rằng nếu cần sẽ bán hết tài sản để đi tố cáo việc gian dối trong xây dựng trụ cột đường điện. Thực tế không phải có nhiều người đủ mãnh liệt như vậy, vì bên cạnh người tố cáo còn người thân thiết của họ, và người thân thì không phải là ít. Để tiến hành bảo vệ người thân của người tố cáo là chuyện không đơn giản. Do đó trong bối cảnh như vậy, có lẽ chúng ta cũng phải xem xét các hình thức tố cáo khác như fax, điện thoại, email.

Một vấn đề không được cơ quan soạn thảo đưa vào trong Dự thảo Luật, đó là tố cáo nặc danh. Dẫu trong thời gian qua, nhờ nhiều thông tin từ hình thức này mà chúng ta đã phát hiện ra nhiều vụ tiêu cực, thưa bà?

- Tôi nghĩ chúng ta nên mở rộng để các cơ quan xem xét và sàng lọc chứ không phải vì vấn đề biên chế. Nhiều khi, người tố cáo không phải họ vô trách nhiệm, nhưng người ta mong muốn phản ánh ở nơi sống, làm việc, thấy có gì đó bất thường. Không phải họ sợ trách nhiệm mà còn vấn đề liên quan đến tính mạng, tài sản, công ăn việc làm. Trong khi đó, mục tiêu của việc sửa Luật Tố cáo lần này là làm sao khuyến khích, có nhiều biện pháp tốt nhất để cho người dân, cán bộ công chức sẵn sàng đứng ra bảo vệ cái đúng, sẵn sàng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Cho nên trong bối cảnh hiện nay tôi nghĩ cần phải bổ sung quy định tố cáo nặc danh.

Theo bà chúng ta cần cơ chế nào để bảo vệ người tố cáo tốt hơn?

- Cơ chế bảo vệ người tố cáo tốt nhất, hữu hiệu nhất chính là lực lượng công an. Khi người tố cáo bị đe dọa, họ luôn hướng tới, mong muốn lực lượng bảo vệ cho họ là người có trách nhiệm và có các biện pháp sẵn sàng bảo vệ được ngay. Tôi cho rằng chỉ có lực lượng công an mới là hữu hiệu nhất, chứ bây giờ đi xác định người có thẩm quyền xử lý, xong rồi lại chờ đơn của người tố cáo yêu cầu về nguy cơ bị đe dọa. Đơn được gửi đến cơ quan chức năng, người có thẩm quyền nhưng quy định thời gian nhất định là 5 ngày khi nhận đơn người có thẩm quyền trong quá trình đó xem xét, rồi mất thêm 3 ngày nữa xác minh điều người ta tố cáo có đúng hay không lúc đó mới có biện pháp bảo vệ thì tôi e rằng sẽ khó khăn, không tạo điều kiện cho người tố cáo. Vì ngoài họ còn có người thân của họ, còn có con cháu còn nhỏ đi học. Chẳng hạn, khi biết con của người tố cáo thì các đối tượng sẵn sàng trả thù, trong khi bản thân người tố cáo không biết con của họ đang gặp nguy hiểm để yêu cầu được bảo vệ. Vì vậy bảo vệ người tố cáo chính là vấn đề lớn trong bối cảnh hiện nay.

Chỉ có động tác rất nhỏ là chèn đứa nhỏ ra phía phương tiện lớn đang đi đến thì lúc đấy rất là khó để xác định đó có phải là biện pháp người ta trả thù người tố cáo không? Vì vậy bảo vệ người tố cáo chính là nỗi lo lớn trong bối cảnh hiện nay.

Thời gian qua đã có nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện qua đường dây nóng. Tuy nhiên Dự thảo Luật lần này không công nhận tố cáo qua điện thoại. Thưa bà, vấn đề tố cáo không chỉ quy định trong luật này mà còn có nhiều luật khác có liên quan, như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự. Vậy chúng ta phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Trước hết, phải sửa đồng bộ các Luật như tổng kết 4 năm Luật Tố cáo cho thấy phải sửa Luật Phòng, chống tham nhũng, rồi liên quan đến Luật Khiếu nại. Phải có cơ chế thống nhất để giải quyết sao cho đồng bộ. Tiếp đó, cần phải xem xét lại quá trình thực hiện Luật Tiếp công dân. Đây là luật mới ban hành, chúng ta chưa xem xét tổng kết được nhưng cũng phải xem xét vấn đề tiếp công dân, bởi hiện việc bố trí người tiếp công dân bộ máy biên chế có tăng lên, nhưng trách nhiệm bố trí tiếp công dân đã phù hợp chưa hay đây chỉ là nơi chuyển đơn thư? Đây là vấn đề cần xem xét lại đặc biệt là tại cơ sở. Luật quy định rất nhiều nhưng trách nhiệm để xác định cụ thể trách nhiệm thuộc về ai thì là vấn đề cần được xem xét lại.

Trân trọng cảm ơn bà!

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao:
Không giải quyết tố cáo nặc danh sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm

Tố cáo nặc danh là vấn đề lớn, vì có rất nhiều loại: có loại “vu vơ”, nhưng cũng có loại gửi chứng cứ kèm theo. Nếu không tiếp nhận phải chăng chúng ta đang né tránh? Do đó cần quy định rõ trong trường hợp nào thì giải quyết? Cần quy định thế nào để tiếp nhận giải quyết chứ nếu không giải quyết có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Bảo vệ tố cáo chính là bảo vệ nhân chứng, đã khó khăn rồi mà còn quy định chung chung thì xác định bảo vệ như thế nào? Ai là người bảo vệ người ta? Theo tôi sửa đổi Luật Tố cáo mà không quy định thì sẽ trở thành “quy định cứ quy định thế thôi” còn thực tế không có người bảo vệ.

Việt Thắng (thực hiện)