Nam Trung bộ: Ngư dân bám biển, được mùa cá
Vào những ngày này, tại Nam Trung bộ, hàng trăm con tàu cập cảng, bán cá. Năm nay, ngư dân được mùa cá, nhất là cá ngừ. Hầu hết các chuyến đi đều có lãi. Nói như ngư dân Võ Văn Lịa, chủ tàu cá QNg 92064 TS, gần một tháng đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa được khoảng 20 tấn cá chuồn, với giá bán 12 nghìn đồng/1kg, đem lại cho anh và các bạn tàu một khoản thu không nhỏ.
Khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán, các đội tàu thuyền ở các tỉnh Nam Trung bộ lại nô nức ra khơi. Và sau gần một tháng, vào những ngày này, hàng ngàn thuyền cập cảng, bán cá. Năm nay, ngư dân được mùa cá, nhất là cá ngừ. Có chủ tàu thu lời trên 200 triệu đồng 1 chuyến ra khơi. Mặc phía Trung Quốc đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông nhưng ngư dân ta vẫn bám biển, vì đó là ngư trường truyền thống của Việt Nam.
Ngư dân đưa cá ngừ lên cảng cá Hòn Rớ (Khánh Hòa).
Được mùa cá
Đại diện Ban quản lý cảng Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: Mỗi ngày trung bình có khoảng 30-40 tàu cập cảng, ngư dân bốc cá từ sáng sớm đến chiều tối mới xong. Hầu hết các tàu đều có lãi, chỉ có một vài tàu là ngang vốn. Những chuyến tàu này xuất phát từ những ngày sau tết âm lịch và đúng hẹn cứ đến gần rằm (14 hàng tháng) sau gần 1 tháng đi biển, các thuyền đã kịp cập bến, mang theo hàng trăm con cá ngừ đại dương, mỗi con có trọng lượng từ 35 kg đến gần 60kg, trung bình mỗi tàu mang về khoảng 2-3 tấn cá ngừ. Hiện tại, giá cá ngừ được thu mua tại cảng là 103.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tàu cũng có lãi từ vài chục triệu đến gần 200 triệu đồng.
Ông Lê Văn Đông - trú tại phường Xương Huân - TP Nha Trang, chủ tàu mang số hiệu KH 95291TS, vừa cập cảng Hòn Rớ vui mừng cho biết: Sau 22 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đã mang về 80 con cá ngừ đại dương có tổng trọng lượng hơn 3 tấn, tính ra thu về khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí hao tổn tàu tôi có lãi trên 150 triệu đồng, còn các bạn thuyền cũng chia được mỗi người hơn 10 triệu đồng. Ngư dân Ngô Tám - chủ tàu KH91548 TS (Xương Huân, TP Nha Trang) cũng cho biết: “Tàu tôi nhỏ nhưng cũng đánh được 27 con cá ngừ với trọng lượng gần 2 tấn. Nghỉ ngơi vài ba ngày là chúng tôi lại tiếp tục vươn khơi.
Còn tại cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cảng cá Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam), chúng tôi chứng kiến hàng trăm tàu cá của ngư dân địa phương ngoài tỉnh vào cập bến để bán cá cho thương lái. Không khí diễn ra nhộn nhịp, sôi nổi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay Quảng Ngãi đang có trên 1.000 tàu thuyền hoạt động đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, tại Hoàng Sa có hơn 600 tàu với gần 1.000 lao động, Trường Sa 425 tàu với trên 700 lao động.
Còn tại tỉnh Quảng Nam có khoảng 4.000 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản, trong đó có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ ở 2 quần đảo nói trên. Chỉ tính riêng huyện Núi Thành đã có 2.445 phương tiện hoạt động khai thác thủy hải sản với tổng công suất 52.250 CV, thu hút 9.400 lao động địa phương. Trong số đó, có hơn 2.000 lao động đặc thù đánh bắt xa bờ. TP Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa cũng có hàng nghìn tàu thuyền và ngư dân liên tục bám biển…
Phân loại cá.
Bám ngư trường truyền thống
Khi chúng tôi hỏi về thông tin cuối tháng 2-2017, chính quyền Trung Quốc đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông từ tháng 5 đến tháng 8-2017 thì ông Ngô Tám chủ tàu KH91548 TS (Xương Huân, TP Nha Trang) xua tay, nói: “Ôi mình đánh bắt các ngư trường truyền thống lâu nay mà, mình có qua bên Trung Quốc đâu mà cấm với không cấm”. Ông Tám chia sẻ, Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống. Mỗi lần đi biển, các đoàn viên nghiệp đoàn đều liên kết với nhau để thông báo luồng cá, ứng phó với bão tố, giá cả... Đặc biệt, mỗi khi một tàu trong nghiệp đoàn gặp nạn hay phải đối phó với tàu lạ, lập tức các thành viên đều có mặt kịp thời để giúp đỡ.
Gặp chúng tôi tại cảng cá Sa Kỳ, thuyền trưởng Phạm Văn Thiều (39 tuổi), trú thôn Đinh Tấn, xã Bình Châu, chủ tàu QNg 95820 TS, công suất 250 CV khẳng định: “Với chúng tôi biển là đất, tàu là nhà, vươn khơi xa Hoàng Sa, Trường Sa vừa là mưu sinh vừa là trách nhiệm. Chúng tôi không vì bất cứ lý do gì mà bỏ biển!”.
Anh Thiều cũng cho biết, ra khơi chuyến này, tàu anh đã nhập 3.000 lít dầu và 1.000 cây đá và các nhu yếu phẩm và vẫn vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. “Mấy ngày gần đây Trung Quốc đưa thông tin việc cấm đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông. Tôi và các ngư dân trên tàu cũng có phần lo ngại bị lực lượng hải giám của họ gây khó khăn. Nhưng đây là vùng biển của nước Việt Nam mình nên chúng tôi quyết tâm tiếp tục bám ngư trường này. Không chỉ vì mưu sinh mà còn qua đó, trở thành những cột mốc sống trên Biển Đông góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước”.
Ngư dân xã Bình Châu (Quảng Ngãi) kiểm tra ngư lưới cụ trước khi vươn khơi.
Còn ngư dân Võ Văn Lịa (31 tuổi), trú Tân Thanh, TP Quảng Ngãi, chủ tàu cá QNg 92064 TS đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa vừa cập cảng Sa Kỳ cho biết: “Tàu cá tôi sau gần một tháng đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa được khoảng 20 tấn cá chuồn, với giá bán 12 nghìn đồng/1kg đã đem lại cho tôi và các bạn tàu một khoản thu không nhỏ. Sau khi bán cá xong, tôi và các thuyền viên sẽ tiếp tục vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”.
Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết, việc lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc không làm các ngư dân huyện Bình Sơn và các ngư dân trong tỉnh nao núng mà còn khiến họ càng quyết tâm bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Hiện Bình Sơn đã có hàng trăm tàu cá đánh bắt ở hai ngư trường truyền thống này.
Trước tình hình hiện nay, các cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo ngư dân cần lập đội tàu tự quản, không nên đánh bắt thủy sản riêng lẻ, trang bị kỹ càng cho người dân về kiến thức chủ quyền cũng như cách hành xử bình tĩnh, linh hoạt khi hoạt động trên biển, đặc biệt ngư trường Hoàng Sa, có vấn đề gì phải cấp báo ngay. Các trạm kiểm soát biên phòng khu vực ven biển đang theo dõi tình hình trên biển 24/24 giờ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản.