Công nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

T.Hằng 13/03/2017 10:10

Dưới con mắt của các tổ chức nghiên cứu thị trường, điều kiện kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ, sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện nhưng Việt Nam vẫn cần phát triển một nền sản xuất công nghiệp bền vững thay vì xuất khẩu thô, và khai thác tài nguyên.

Mới đây nhất trong buổi hội thảo về chính sách công nghiệp Việt Nam, GS Trần Văn Thọ đã thẳng thắn chỉ ra, công nghiệp Việt Nam chưa giàu đã già, chuyển qua hậu công nghiệp quá sớm. Chuyển sang hậu công nghiệp sớm thì tốc độ phát triển kinh tế giảm. Trong khi tại Hàn Quốc, Nhật Bản khi thu nhập bình quân đầu người 30.000 USD/năm thì tỉ lệ công nghiệp/GDP mới bắt đầu giảm. Trong khi Việt Nam thu nhập mới 3.000 USD đã chuyển sang hậu công nghiệp.

Bộ Công thương đưa ra chương trình hành động cho năm 2017, trong đó, tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển; Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới.

Về số lượng, theo ước tính sơ bộ với tổng số 500.000 DN đang hoạt động trên cả nước, trong đó 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chia làm 3 nhóm ngành sản xuất: cơ khí, điện tử, nhựa và cao su. Một nền công nghiệp bền vững thì các ngành công nghiệp hỗ trợ phải mạnh. Nhưng 1.383 DN công nghiệp hỗ trợ manh mún, yếu ớt, đề xuất để tiến lên công nghiệp hóa khó.

Về chất lượng, công nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều DN đầu tư nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa các FDI vào DN trong nước còn hạn chế… Nhiều chuyên gia thẳng thắn phân tích, sau nhiều năm Việt Nam hô hào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng quá trình này vẫn chỉ “hô hào”. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright Việt Nam: Sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc, ngành công nghiệp ô tô vẫn non trẻ và chưa bao giờ lớn, sau con chip điện tử của Intel hay điện thoại Samsung chỉ thấy gia công lắp ráp. Việt Nam không có nhà cung ứng cấp 1, 2… cho Intel, Samsung, đóng góp vào chuỗi giá trị gia tăng chỉ ở mức 3% với Intel và 8% với Samsung.

Các chuyên gia quốc tế cũng khuyến cáo, Việt Nam nên hạn chế can thiệp hành chính trong việc đạt được các mục tiêu sản xuất, thay vào đó là sử dụng các biện pháp thị trường. Đồng thời, giữa các bộ, ngành cần hạn chế tình trạng “phân mảnh”.

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho rằng cam kết của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới bao gồm đổi mới khu vực tài chính và doanh nghiệp công sẽ giúp đưa Việt Nam tới con đường phát triển bền vững trong tương lai mở ra nhiều kỳ vọng. Ông Hải phân tích: “Để có thể tận dụng tốt được xu hướng này, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, cụ thể tác động tới môi trường của dự án và tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng”.

T.Hằng