Thi công gây ngập úng hoa màu của dân: Không bồi thường, chỉ hỗ trợ?

Tuấn Quang - Quốc Khánh 13/03/2017 09:05

Hàng chục hộ dân tại khu vực cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang) nhiều tháng qua lâm vào cảnh điêu đứng, nợ nần vì hoa màu, lúa, cây ăn trái sắp thu hoạch thì bỗng nhiên đơn vị thi công bơm cát để thi công công trình Khu kinh tế cửa khẩu Long Bình, làm cho hơn 32ha của 33 hộ dân bị chìm trong biển nước.

33 hộ dân ở các xã Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình thuộc huyện An Phú hiện đang đứng ngồi không yên vì ruộng trồng lúa và hoa màu: bí rợ, bí đao, khổ qua, ớt, hành lá, rau muống, cây ăn trái sắp đến ngày thu hoạch bị đơn vị thi công bơm cát mà không có biện pháp bảo vệ lúa, hoa màu của dân nên bị ngập chìm, thối rữa, chết dần. Bao nhiêu vốn liếng và công sức nhiều tháng ròng rã của người dân đều mất trắng. Quá bức xúc, người dân báo với chính quyền địa phương, đồng thời đứng ra ngăn cản đơn vị thi công.

Ông Võ Văn Sơn (50 tuổi), ngụ tại ấp Sa Tô, xã Khánh Bình, một trong những nông dân có diện tích canh tác bị thiệt hại cho biết: “Nhà tôi có 2 ha đất trồng rau muống lấy hạt, xuống giống được 40 ngày nhưng có đến hơn 1 ha bị mất trắng vì ngập úng kéo dài cả tháng. Với chi phí bỏ ra mỗi công hơn 2,5 triệu đồng, tôi chuẩn bị thu họach hơn 50 triệu đồng cho rẫy muống nhưng giờ thì trắng tay!”.

Anh Nguyễn Văn Lắm, ngụ tại ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình có 3 công rẫy trồng khổ qua, ớt, hành đã đổ vốn vào gần 20 triệu đồng, chỉ còn khoảng nửa tháng là thu hoạch nhưng tất cả đều bị nước bơm cát công trình nhấn chìm trong biển nước khiến anh lâm vào cảnh nợ nần. Anh Lắm buồn bã cho biết: “Mỗi năm, bà con ở đây chỉ có nguồn thu nhập từ 3 vụ hoa màu, gần Tết đến đồ rẫy có giá, bà con mừng lắm. Ai ngờ, đến gần thu hoạch, tất cả đều chìm trong biển nước, mất trắng!”. Chị Dây, ông Huỳnh Thanh Minh (ngụ ấp Tân Thạnh, TT Long Bình) cho biết: “Tôi có 560 cây xoài và 500 cây chanh nước ngập đều chết sạch. Ngoài ra, còn 2.300 con cá hô thả trong ao bị vụ bơm cát nên có 70% số cá bị thoát ra ngoài, bị thiệt hại hơn 150 triệu đồng”.

Anh Trần Văn Hoàng Oanh, ngụ ấp Bốn Nhỏ, xã Khánh Bình trồng 10 công lúa và 6 công bí đao bị thiệt hại cho biết: Khi diện tích canh tác bị ngập, người dân lấy 3 máy bơm để tháo nước liên tục mấy ngày liền nhưng đều không ăn thua. Anh Oanh cho biết thêm: Chính quyền đổ lỗi do mưa làm ngập, nhưng nếu chỉ có lượng nước mưa thì không thể làm hoa màu bà con ở đây chết được vì đa phần đất ở đây là đất gò cao, thiếu nước trầm trọng.

Cùng lâm vào cảnh mất trắng hoa màu, nợ nần còn có nhiều người khác trong xã như: hộ anh Huỳnh Văn Hol, ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình; anh Võ Văn Kỳ, ấp Xa Tô, xã Khánh Bình; anh Huỳnh Thanh Minh, ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình… Các hộ trên đa số là hộ nghèo, mướn ruộng để sản xuất hoa màu. Bà con cho biết mỗi hộ đầu tư hàng chục triệu đồng vào ruộng rẫy, đến thời điểm gần thu hoạch thì đơn vị thi công bơm cát làm ngập úng mà chỉ hỗ trợ “cào bằng” 500.000 đồng/công thì quá bất hợp lý!

Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) An Giang, tỉnh An Giang có tổng diện tích hơn 30.700 ha, bao gồm 3 khu vực cửa khẩu: Vĩnh Xương, Khánh Bình và Tịnh Biên. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm công nghiệp- thương mại- dịch vụ- du lịch- đô thị và nông lâm ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế, trong đó KKTCK Khánh Bình, thuộc huyện An Phú, có diện tích hơn 8.000ha gồm thị trấn Long Bình và các xã Khánh Bình, Khánh An, Quốc Thái, Nhơn Hội, Phú Hữu.

Được biết, phần san lấp mặt bằng tại KKTCK Long Bình được thực hiện từ 9-2016 đến 10-2016 do Liên danh Thái Hiền - Hải Đến - Dương Khang làm đơn vị thi công, Công ty cổ phần tư vấn Xây dựng giao thông KTC làm đơn vị giám sát. Nguyên nhân xảy ra tình trạng ngập úng là do đơn vị bơm cát với khối lượng gần 300.000m3 nhưng lại để nước chảy thẳng xuống ruộng, kênh, tích tụ thành lượng lớn kết hợp với mưa làm cả khu vực canh tác thành biển nước gây ngập úng trên diện rộng.

Trong khi đó, ông Mai Văn Bộ- Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết: Sự cố nước ngập làm ảnh hưởng đến 33 hộ tương đương khoảng 32 ha hoa màu, cây trái và lúa bị thiệt hại nguyên nhân chính là do mưa kéo dài, nước không thoát kịp. Một phần nguyên nhân nữa là do đơn vị thi công bơm cát công trình KKTCK Long Bình. Ngay sau sự cố đơn vị thi công có huy động máy bơm để khắc phục hậu quả nhưng không thành công.

Ông Nguyễn Ngọc Huynh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết: Sau sự việc, huyện lập đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân, đánh giá thiệt hại gồm chính quyền địa phương, đơn vị thi công, đơn vị giám sát, bảo hiểm,... đã thống nhất mức hỗ trợ cho các hộ dân là 500.000 đồng/công. Nhưng vị lãnh đạo huyện cho rằng nguyên nhân thiệt hại chủ yếu là do áp thấp, mưa kéo dài chứ không phải hoàn toàn do đơn vị thi công (?)

Vì thế, nhận được thông báo về mức hỗ trợ thiệt hại là 500.000 đồng/công, bà con có phần diện tích bị thiệt hại vô cùng bức xúc vì chỉ hỗ trợ mà không bồi hoàn thiệt hại. Từ đó dẫn đến việc nhiều hộ dân không chấp nhận phần bồi thường.

Tuấn Quang - Quốc Khánh