Cần Thơ: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng phát triển bền vững
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng đến tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động được xem mục tiêu hướng đến sự phát tiển bền vững đối với TP Cần Thơ.
Hình thức vừa học nghề vừa làm tại Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai (Biti’s Cần Thơ)
tạo việc làm cho người lao động.
Năm 2017 là năm thứ hai TP Cần Thơ thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Với mục tiêu TP Cần Thơ cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020, trong đó có vấn đề lao động - việc làm cho lao động nông thôn, là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần vào hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.
Trong 7 năm thực hiện Đề án dạy nghề lao động nông thôn (2010 - 2016), TP Cần Thơ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, giúp giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn, góp phần đáng kể vào việc giảm tỉ lệ hộ nghèo trên toàn thành phố (chỉ còn 4,12% năm 2016).
Theo đó, thực hiện giai đoạn 1 (2010-2014) của Đề án, TP Cần Thơ đã đào tạo cho hơn 19.300 lao động, với 567 lớp đào tạo. Trong đó, trình độ trung cấp nghề là 456 học viên, trình độ sơ cấp nghề dưới 3 tháng là hơn 18.850 học viên, số lao động sau đào tạo có việc làm là 13.810 người (chiếm tỉ lệ 73,34%).
Đặc biệt, tỉ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo trên toàn thành phố không ngừng được tăng nhanh, năm 2010 là 42%, năm 2013 là 48% và đến năm 2014 là 50,07% . Chỉ trong năm 2016, TP Cần Thơ đã đào tạo cho hơn 4.700 lao động nông thôn, đạt 113.33% kế hoạch. Trong đó, đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách 58 người; hộ nghèo 158 người; dân tộc 169 người, hộ cận nghèo 71 người; tàn tật 6 người; bị thu hồi đất 19 người, các đối tượng lao động khác là 4.337 người. Tỉ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo trên toàn thành phố trung bình đạt 75%, có cơ sở đào tạo đạt tỉ lệ có việc làm sau đào tạo gần 100%. Qua đó, đã tạo cơ hội cho nhiều lao động có việc làm ổn định, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để hoàn thành các mục tiêu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, TP Cần Thơ tiếp tục củng cố, tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố. Tính đến tháng 11-2016, trên địa bàn thành phố có 65 có sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có: 2 trường cao đẳng nghề và 3 phân hiệu trường cao đẳng nghề; 3 trường trung cấp nghề, 33 cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp,... Qua đó, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố.
Công tác tổ chức tư vấn tuyển sinh học nghề được Sở LĐ-TB&XH thành phố quan tâm chỉ đạo các trường và trung tâm dạy nghề triển khai với nhiều hình thức như: phối hợp tư vấn tuyển sinh mùa thi đại học, cao đẳng; Phối hợp với các Trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tư vấn học nghề cho học sinh và phụ huynh học; đưa học sinh đến tham quan các trường dạy nghề để các em tìm hiểu, định hướng và lựa chọn nghề phù hợp; tổ chức thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các cơ quan, đoàn thể để nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề.
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của người lao động.
Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn TP Cần Thơ đã linh hoạt trong việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng của các doanh nghiệp; liên kết đào tạo; mở thêm những ngành nghề mới theo nhu cầu của thị trường lao động; tổ chức hình thức vừa học vừa làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề truyền thống; dạy nghề lưu động cho lao động nông thôn... Qua đó, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Để giải quyết việc làm cho người lao động, ngay từ đầu năm 2017 các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã tập trung tìm hiểu, rà soát thị trường lao động; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn.
Ông Châu Hồng Thái- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho biết: Thành phố đang chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; bám sát chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của bản thân người lao động. Qua đó, hướng đến sự phát tiển bền vững trong thực hiện mục tiêu đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn 2030.