Những quy tắc ‘vàng’ bảo vệ trẻ tránh bị xâm hại tình dục
Số liệu thống kê của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho thấy trẻ bị người thân quen xâm hại rất cao, độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi.
Ảnh minh họa.
Xâm hại trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất và tâm lý đối với nạn nhân trẻ em. Những hậu quả của xâm hại trẻ em cũng ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Trẻ em không bao giờ có lỗi trong việc bị xâm hại, ngay cả khi việc này làm ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng.
Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, có thể bao gồm cả hành vi xâm hại có tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm: - Làm những hình ảnh, video có tính chất xâm hại trẻ em. - Ép buộc trẻ em xem hay tham gia các hoạt động tình dục. - Ép buộc trẻ em quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ em vào các hành vi tình dục với trẻ em khác hoặc với người lớn.
Nguồn: childsafetourism.
Trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục: Cả trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục. Trẻ em thuộc giới thứ ba, trẻ em đang khám phá tình dục hoặc trẻ khuyết tật (tất cả các dạng khuyết tật) có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục. Xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào.
Trẻ em thường biết rõ thủ phạm: Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em thường là thành viên trong gia đình, cộng đồng hay ai đó mà trẻ tin cậy. Kẻ xâm hại có thể là bạn bè của nạn nhân và gia đình của các em Kẻ xâm hại thường xây dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân và gia đình của các em để che giấu hành vi xâm hại.
Xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra trong hoạt động du lịch: Một số ít người lợi dụng hoạt động du lịch để xâm hại tình dục trẻ em. Chúng có thể là khách du lịch, khách lữ hành, hay công dân nước ngoài, có hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở một hay nhiều quốc gia, nơi họ đến du lịch hoặc sinh sống. Trẻ thường không nói với người lớn khi bị xâm hại Vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại. Hãy quan sát các dấu hiệu, đừng chờ trẻ nói ra.
Kẻ xâm hại tình dục trẻ em dùng rất nhiều thủ đoạn để tiếp cận và xâm hại trẻ em: Nhiều người thường nghĩ rằng, xâm hại tình dục trẻ em chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên bởi một người lạ. Trên thực tế, những kẻ xâm hại thường dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ (đôi khi là với gia đình trẻ). Quá trình này gọi là “Dụ dỗ” và có thể diễn ra theo một số bước: Nhắm đối tượng - Xây dựng niềm tin - Tạo bí mật - Hành động leo thang - Thực hiện.
Nguồn: childsafetourism.
Nhiều người lớn cứ cho rằng giáo dục giới tính là nói với trẻ về các cơ quan sinh sản, như thế là rất sai lầm. Giáo dục giới tính chính là giáo dục để trẻ sống đúng giới tính của mình, biết bảo vệ bản thân mình và tôn trọng người khác. Hãy bắt đầu trò chuyện về giới tính với trẻ khi trẻ mới 2 tuổi. Điều này nghe có vẻ sớm, nhưng trẻ em dưới 12 tuổi có nguy cơ bị xâm hại nhiều nhất khi 4 tuổi. Ngay cả khi trẻ chưa thể nói tốt, thì trẻ em ở độ tuổi này cũng đang trong quá trình tìm hiểu và khám phá những điều xung quanh. Và trẻ nhỏ chắc chắn hiểu và nhớ nhiều hơn người lớn tưởng.
Ví dụ, khi tắm, hãy nói cho bé biết những vùng riêng tư nhạy cảm trên cơ thể và chỉ ra ranh giới những ai mới được chạm và nhìn vào.
Quy tắc quần lót (PANTS rules) mà tổ chức NSPCC (một tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh) kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình:
P – Private (Riêng tư): Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Hãy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
N – No means no (Không là không): Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.
T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.
S – Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...
Bác sĩ Lan Hải giới thiệu Quy tắc bàn tay trong giao tiếp mà cha mẹ cần dạy trẻ để giúp trẻ tự bảo vệ mình: Bàn tay của bé có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp.
1. Ôm hôn, dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột.
2. Nắm tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.
3. Bắt tay: Khi gặp người quen.
4. Vẫy tay: Nếu đó là người lạ.
5. Xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
Luật bàn tay này không chỉ phù hợp với trẻ mầm non mà với trẻ tiểu học, vị thành niên.
Để giúp cha mẹ cũng như trẻ em biết cách tự bảo vệ bản thân, tránh bị xâm hại và bắt cóc, tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng các cộng sự đã in Sổ tay Phòng tránh xâm hại, bắt cóc trẻ em.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên quan tâm con nhiều hơn, luôn lắng nghe và vị tha, bao dung với con, có như vậy trẻ mới tin tưởng, cởi mở và tâm sự với cha mẹ nhiều hơn, từ đó cha mẹ có thể sớm nhận biết bé có đang gặp vấn đề gì không an toàn hay không.