Quảng bá cho ai?
Chiều 13/3, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã chính thức nhận quyết định để trở thành Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020. Những ngày trước đó, việc ra mắt bộ phim “Kong: Skull Island”- (Kong: Đảo đầu lâu) đã được khán giả háo hức đón nhận, không chỉ vì phim có quay một số cảnh ở Việt Nam mà còn vì chiến lược truyền thông hết sức rầm rộ. Nhưng một thông tin khác liên quan tới việc Hà Nội xem xét dựng mô hình phim Kong ngay tại hồ Gươm thì lại khiến nhiều người bất ngờ.
Một cảnh trong phim “Kong - Đảo Đầu lâu”- cảnh núi non phía sau được quay tại Ninh Bình.
Theo đó, UBND TP Hà Nội nhận được văn bản của Bộ VHTT&DL về việc dựng mô hình quay phim tại Việt Nam, quảng bá du lịch Thủ đô.
Tại văn bản này, Bộ VHTT&DL cho hay, nhằm tận dụng sức ảnh hưởng của bộ phim bom tấn “Kong: Đảo Đầu lâu”, Bộ VHTT&DL cùng đơn vị phát hành phim tổ chức một loạt các hoạt động nhằm thúc đấy quảng bá Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng nhân dịp bộ phim chiếu ra mắt.
Do đó Bộ VHTT&DL đề nghị UBND TP Hà Nội hỗ trợ, tạo điều kiện dựng phối cảnh 3D cảnh bộ phim tại một điểm nổi bật trên phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm đế người dân Thủ đô và khách du lịch chụp ảnh lưu niệm và trải nghiệm những công nghệ chụp ảnh mới với mô hình và các trò chơi thú vị (công nghệ chụp ảnh ảo, vẽ hình logo phim, hỏi đáp vui); tại điểm này, có đặt bàn tài liệu quảng bá du lịch Việt Nam và giới thiệu du lịch Hà Nội.
Địa điếm dựng mô hình Bộ VHTT&DL đề xuất tại vị trí phù hợp khu vực tượng đài Cảm tử cho Tố quốc quyết sinh (phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm). Thời gian dựng mô hình phim trong vòng 1 tháng.
Khi biết thông tin này, dù háo hức xem phim “Kong: Skull Island” với những bối cảnh quay tại Việt Nam, nhưng người ta cũng bày tỏ nhiều băn khoăn.
Đa số các ý kiến cho rằng không nên dựng mô hình phim nói trên tại Hồ Gươm, như thế vừa phản cảm, vừa tốn kém, lại vừa chất tải lên không gian văn hóa linh thiêng của Thủ đô đang ngày một thu hẹp lại.
Nhiều gợi ý cho rằng nên dựng mô hình phim trên đường ra sân bay, hoặc địa điểm nào khác Hồ Gươm sẽ hợp lý hơn.
PGS.TS Hà Đình Đức, người có ý tưởng xây dựng cột mốc số 0 tại hồ Gươm cho rằng không thể tùy tiện đưa hình ảnh quái vật Kong vào khu vực di tích quốc gia đặc biệt này.
Trong vòng 5 năm qua, câu chuyện tìm Đại sứ Du lịch Việt Nam cũng được nhắc tới nhiều. Cùng với đó việc bỏ qua những cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam qua kênh điện ảnh cũng từng nhiều lần được đề cập.
Thời điểm này, việc kỳ vọng vào danh tiếng của đạo diễn phim bom tấn để quảng bá du lịch Việt Nam là cần thiết. Nhưng chỉ thông qua những hoạt động bề nổi thôi chưa đủ, thậm chí là hơi thái quá trong khi du lịch trong nước lâu nay vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu.
Trước khi Hà Nội lên kế hoạch quảng bá hình ảnh trên CNN gồm: “Giới thiệu Hà Nội - Trái tim Việt Nam” và “Hà Nội - Cái nôi di sản” nhiều danh lam thắng cảnh Việt Nam cũng từng nhiều lần xuất hiện trên các kênh truyền hình nước ngoài như CNN, BBC, Travel Channel (Anh)... Nhưng nếu kỳ vọng chỉ quảng bá hình ảnh điểm đến qua những thước phim long lanh, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hẳn là chưa đủ.
Một hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm hướng dẫn khách nước ngoài lâu năm chia sẻ: Để chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch, trước hết dịch vụ ở lĩnh vực này cần phải chú trọng vào phương châm “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”.
Khi du khách nước ngoài chia tay Việt Nam bằng tâm thế rất hài lòng với sự chuyên nghiệp trong cung cách làm dịch vụ; ấn tượng với cảnh quan và sự thân thiện của người dân nơi họ đã đi qua… thì điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ giới thiệu cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của họ thêm một điểm đến là Việt Nam.
Bởi trên thế giới còn vô vàn những điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách; cũng như trên thực tế, tỉ lệ du khách quay trở lại Việt Nam những lần sau không nhiều.
Vì lẽ đó, quảng bá du lịch- ngoài vai trò của vị Đại sứ người nước ngoài, điều quan trọng hơn cả là khơi dậy tiềm năng, sức bật và sự chuyên nghiệp từ nội lực.