Tăng nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp sạch

T.Hằng 14/03/2017 10:30

Các ngân hàng đang ra sức hưởng ứng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, họ kỳ vọng vào hướng đi mới cho việc đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP BIDV công bố triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của khách hàng cá nhân và DN quy mô siêu nhỏ tại địa bàn Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian triển khai gói tín dụng này là từ nay đến 31-12-2017 hoặc đến hết quy mô gói. Gói tín dụng này có nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Cụ thể, khách hàng có thể lựa chọn linh hoạt các gói vay khác nhau, lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm trong tối đa ½ thời gian vay vốn đối với các khoản vay dưới 12 tháng và từ 7.5%/năm trong tối đa ½ thời gian vay vốn đối với các khoản vay từ 13 tháng, giúp khách hàng chủ động cân đối nguồn tài chính và các kế hoạch kinh doanh.

Vietcombank đã nhanh chân đầu tư 600 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam. Chủ tịch HĐQT Vietcombank ông Nghiêm Xuân Thành, cho biết, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về triển khai gói tín dụng đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, Vietcombank đăng ký gói tín dụng 10.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực này với những ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay và ưu đãi lãi suất thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác.

Ngoài 2 đại gia, các ngân hàng tầm trung khác như LienVietPostBank và VietABank cũng tuyên bố dành vốn cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó LienVietpostbank dành 10.000 tỷ đồng, VietABank dành 500 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao.

Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã có những kỳ tích nhất định trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Thế nhưng, nền nông nghiệp nhỏ và đẹp này thời hội nhập đến lúc cần có những cải cách triệt để.

Giải bài toán nông nghiệp của Việt Nam, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cần có sự tham gia của cả khu vực DN tư nhân, hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp, mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Quan trọng nữa là phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao.

Và theo thông tin chính thức từ phía cơ quan quản lý, cần có gói hỗ trợ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao 100.000 tỷ đồng.

Gói 100.000 tỷ này không phải là gói tái cấp vốn từ vốn ngân sách nhà nước mà là các ngân hàng thương mại dành một gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-1,5% để tạo điều kiện cho các DN vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chủ trương là xã hội hóa đầu tư hạ tầng, xã hội hóa đầu tư vốn, đầu tư tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho các ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 300 tỷ đồng cho vay các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả thì phải có quy mô, muốn xuất khẩu thì cần sản phẩm tốt. Nhà nước cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, xem cái gì hiệu quả, không hiệu quả. Cùng với đó là giảm các loại phí, từ đó giảm chi phí cho DN; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN để tạo vốn cho họ.

Thời gian tới, theo định hướng từ phía Ngân hàng Nhà nước, sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung. Tập trung vốn tín dụng ưu đãi một cách phù hợp, không triển khai tràn lan cho tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt cho vay các DN, dự án, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu chế biến, sản xuất, xuất khẩu và ngân hàng như sợi dây trong chuỗi liên kết. Vai trò của ngân hàng giống sợi dây, tạo ra lợi ích chung cho các thành phần tham gia chuỗi liên kết.

T.Hằng