Xây dựng một nền hành chính vì nhân dân

Vũ Mạnh (ghi) Ảnh: Thành Trung 14/03/2017 14:50

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các cơ quan hành chính nhà nước đã có sự thay đổi về tư duy và phương pháp trong phục vụ người dân, tổ chức và đánh giá thực thi công vụ theo hướng dựa trên phản hồi của người dân chính là để xây dựng một nền hành chính vì nhân dân.

Sáng 14/3, tại Trụ sở Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tổ chức công bố báo cáo đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định việc triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân đã mang lại những kết quả tích cực trong việc phản ánh sát thực trạng và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước. Hiện các cơ quan hành chính nhà nước đã có sự thay đổi về tư duy và phương pháp trong phục vụ người dân, tổ chức và đánh giá thực thi công vụ theo hướng dựa trên phản hồi của người dân chính là để xây dựng một nền hành chính vì nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30c về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2010-2020, Chính phủ cũng đang thực hiện mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, Chính phủ hành động, phục vụ người dân và phục vụ doanh nghiệp.

“Thời gian tới cần phải tiếp tục quyết liệt đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 30c của Chính phủ trong đó có nội dung đo lường chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Đây cũng chính là thước đo hiệu quả cải cách hành chính của nhà nước và sự tín nhiệm của người dân đối với chính phủ và chính quyền các cấp”, ông Trương Hòa Bình nêu.

Định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và một số nhà khoa học nghiên cứu xây dựng đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 trong đó cần nghiên cứu, đề xuất, chuẩn hóa các hình thức công cụ, hiệu quả giảm thiểu tốn kém để mở rộng thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương liên quan đảm bảo phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc hoàn thiện đo lường sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước.

* Đo lường sự hài lòng của người dân hàng năm

Trên cơ sở đề án phê duyệt, Bộ Nội vụ và các bộ ngành, địa phương triển khai đo lường sự hài lòng của người dân cả nước trên quy mô quốc gia để phát hiện những tồn tại trong chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cũng như nắm bắt được nhu cầu của người dân, từ đó xác định được các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức. Trong quá trình triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ, chất lượng và hiệu quả giữa MTTQ Việt Nam, Bộ Nội Vụ và Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến địa phương.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành địa phương cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực về con người, kinh phí để triển khai đo lường ở quy mô quốc gia. Cùng với đó cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, tổ chức thấy được việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan nhà nước là việc làm cần thiết, không chỉ giúp cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được cảm nhận và yêu cầu của người dân, tổ chức về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Các bộ, ngành, địa phương sử dụng hiệu quả kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức để đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, gắn kết quả đo lường sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước với chỉ số cải cách hành chính làm thước đo kết quả thực thi công vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Vũ Mạnh (ghi) Ảnh: Thành Trung