Tìm cơ chế bảo vệ người tố cáo

T.Dương 15/03/2017 09:05

Ngày 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo.

Ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, các hình thức tố cáo mới như: fax, điện thoại, email, và tố cáo nặc danh cần được xem xét vì trong điều kiện xã hội hiện nay không phải ai cũng dám ghi tên đứng ra tố cáo hành vi vi phạm, nhất là tố cáo hành vi vi phạm của cấp trên.

“Như vụ hiệu trưởng của một trường tiểu học tại Hà Nội vừa qua cho thấy các giáo viên đều phải nói theo tiếng nói của hiệu trưởng mà không dám nói khác”- ông Bình dẫn chứng, đồng thời cho rằng nếu không giải quyết đơn thư nặc danh thì sẽ bỏ sót nhiều thông tin. Bây giờ đang là thời đại của thế giới phẳng để họ nói thẳng ý kiến của họ.

Nếu chúng ta bỏ tố cáo nặc danh thì sẽ mất thông tin. Do đó khi tiếp nhận thông tin thì phải sàng lọc, vì tố cáo nặc danh nhưng lại có gửi kèm cả bằng chứng cho nên “bước lọc” rất là quan trọng trong tiếp nhận và xử lý thông tin.

Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói: “Nếu không bảo vệ được quyền lợi của người tố cáo thì họ sẽ không dám tố cáo. Phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo thì họ mới dám tố cáo chính danh, chứ không bảo vệ được họ thì họ chỉ dám tố cáo nặc danh, nhất là liên quan đến người thân thích của họ”.

Theo bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hình thức tố cáo Luật chỉ chấp nhận tố cáo bằng đơn và trực tiếp. Tuy nhiên trong Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cho phép công dân tố cáo qua mạng điện tử, điện thoại và các hình thức khác. Luật Phòng, chống tham nhũng mở ra, nhưng Luật Tố cáo lại bó hẹp lại. Vì cậy phải xem xét lại cho phù hợp và đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân tố cáo trực tiếp, qua điện thoại, hay qua các phương tiện thông tin điện tử. Chúng ta cũng đang hướng tới xây dựng một Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành quản lý nhà nước.

Nếu Luật này mà không mở ra hình thức khác để người dân sử dụng thì cũng chưa đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên mở ra cũng phải theo quy định của pháp luật, tức là nội dung tố cáo phải gửi đúng người, đúng cơ quan giải quyết chứ không phải gửi lung tung đến hàng trăm cơ quan.

“Tất cả đều đang hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử mà tố cáo của người dân lại yêu cầu phải bằng đơn thì vô lý. Cho nên cần phải nghiên cứu thêm”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đơn nặc danh mà có nội dung, địa chỉ cụ thể thì phải xem xét, kiểm tra để tăng cường quản lý lãnh đạo. “Bao giờ tôi nhận được đơn nặc danh cũng ghi vào đó là đơn nặc danh nhưng cần xem xét để chú ý trong quản lý như tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, rồi nhắc nhở lãnh đạo nơi đó phải kiểm tra xem có hay không? Người ta chỉ cho mình mà mình “vứt vào sọt rác” là chưa làm hết trách nhiệm. Khi có nguồn thông tin thì Thủ trưởng đơn vị đó phải chú ý hơn trong thanh tra kiểm tra tại đơn vị mình, ngay cả khi họ nói mình thì bản thân mình cũng tự xem xét lại mình xem có sai hay không?”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đối với cán bộ về hưu hay chuyển công tác cũng phải chịu trách nhiệm do mình gây ra trong thời gian đương chức. Phải có quy định thẩm quyền ai là người giải quyết người đã đi nơi khác hay nghỉ việc rồi để quy trách nhiệm. Đồng thời Luật cũng phải theo tinh thần cải cách hành chính, không được kéo dài thời gian giải quyết.

Ví dụ như người ta sắp đến thời điểm bổ nhiệm lại, hay đang chuẩn bị đề bạt, lẽ ra giải quyết 1 tháng là xong nhưng kéo dài 3-4 tháng. Như vậy là quá thời gian bổ nhiệm hay đề bạt của người ta.

T.Dương