Siết việc phong danh hiệu nghệ nhân: Tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn
Bộ VHTTDL vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức dừng việc cấp danh hiệu trái phép, trong đó có việc tôn vinh nghệ nhân văn hóa dân gian. Dẫu thế, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng văn bản của Bộ còn chung chung, e sự “dẹp loạn” danh hiệu sẽ là sự thiếu tôn trọng với các nghệ nhân đích thực.
Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội VNGDVN.
Siết phong danh trái thẩm quyền
Theo đó, tại văn bản 952/BVHTTDL-TTr, Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu 3 tổ chức gồm Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam dừng tổ chức vinh danh công nhận “Cây di sản”; cấp bằng cho hệ thống đền đạt chuẩn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam; bằng công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”; bằng chứng nhận “Nghệ nhân văn hóa dân gian”, bằng chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân” khi những hoạt động này chưa có quy định pháp luật cho phép thực hiện.
Bộ VHTTDL cho biết, theo luật Di sản, thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích (Quốc gia đặc biệt, Quốc gia và cấp tỉnh, thành phố) thuộc Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.
Vì vậy, Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức vinh danh và cấp các bằng công nhận, bằng chứng nhận là không đúng.
Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng không tổ chức các hoạt động nêu trên trong lĩnh vực, địa bàn quản lý; hướng dẫn lập hồ sơ xếp hạng di tích và hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân theo quy định.
Đây là một động thái quyết liệt của Bộ VHTTDL, nhằm quản lý việc vinh danh di sản, vinh danh các danh hiệu nghệ nhân đang diễn ra tràn lan. Năm 2015, một số cá nhân và doanh nghiệp nhận được hồ sơ hoặc email do một công ty tư nhân mời đăng ký tham dự chương trình “Vinh danh Nghệ nhân văn hóa dân gian”.
Nội dung nêu điều kiện nếu người đăng ký hỗ trợ, tài trợ hoạt động quảng bá, truyền thông cho chương trình với mức tối thiểu 30 triệu đồng, tối đa là một tỷ đồng sẽ được tặng Bằng chứng nhận Nghệ nhân văn hóa dân gian hoặc Bằng chứng nhận Vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc (do Bộ VHTTDL, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo cấp). Nhờ sự phản ánh kịp thời của các cơ quan truyền thông, Bộ VHTTDL đã kịp thời vào cuộc và “tuýt còi”.
Hãy tôn trọng nghệ nhân
Xung quanh việc “siết” vinh danh và trao tặng danh hiệu mà Bộ VHTTDL vừa yêu cầu, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNGDVN) chia sẻ: Ông đồng tình với việc phải quản lý để tránh tình trạng vinh danh vàng thau lẫn lộn. Song cũng không nên “vơ đũa cả nắm”. Trên thực tế lâu nay việc trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội VNGDVN cũng ít nhiều bị lạm dụng.
Ông Thanh cho biết: Hội đã trao tặng danh hiệu cho nghệ nhân từ 15 năm qua (bắt đầu từ năm 2000) mà không lấy một xu nào của các nghệ nhân. Việc trao danh hiệu được thực hiện đúng theo Điều lệ của Hội (do Bộ Nội vụ phê duyệt).
Theo đó, những năm trước đây mỗi nghệ nhân dân gian được trao tặng Bằng khen của Hội kèm theo 600 ngàn đồng tiền thưởng. Hiện tại mức tiền thưởng đã tăng lên 1,2 triệu đồng.
Số tiền không đáng kể, nhưng các nghệ nhân rất vui vì những đóng góp của họ cho việc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy văn nghệ dân gian được ghi nhận.
Bây giờ cơ chế trao tặng cũng có khác đôi chút, đó là có những địa phương đề nghị Hội chỉ tặng Bằng khen, còn tiền thưởng của nghệ nhân do địa phương trích kinh phí trao tặng.
Việc vinh danh nghệ nhân như Hội VNGDVN vẫn làm lâu nay chính là một hình thức tri ân những người gìn giữ văn hóa truyền thống, là bày tỏ sự kính trọng với các nghệ nhân.
Ông Thanh tâm tư: Di sản văn hóa phi vật thể không tồn tại dưới dạng vật chất và chủ yếu được lưu truyền cho đời sau bằng hình thức truyền khẩu. Vì thế, nghệ nhân - người nắm giữ nội dung di sản văn hóa phi vật thể có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể.
Họ chính là “linh hồn”, là “báu vật nhân văn sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.
UNESCO đã khuyến nghị các quốc gia thiết lập hệ thống Báu vật nhân văn sống nhằm công nhận, tôn vinh và đãi ngộ những người đang nắm giữ các kiến thức, kỹ năng và bí quyết cần thiết cho việc trình diễn, sáng tạo và trao truyền những di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị tiêu biểu ở mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Vì lẽ đó, sau khi Bộ VHTTDL tuýt còi các tổ chức nói trên, nhiều nghệ nhân dân gian đề nghị lãnh đạo Hội phải có ý kiến với Bộ để dư luận không hiểu nhầm những danh hiệu mà họ đã được Hội trao tặng.
“Hội là tổ chức được Đảng và Nhà nước giao cho lưu trữ di sản, trân trọng những người giữ lửa, báu vật nhân văn sống. Vì lẽ đó mong Bộ VHTTDL cũng nên nói rõ hơn về những tổ chức được phép trao tặng danh hiệu, cũng như những đóng góp của Hội trong việc vinh danh nghệ nhân dân gian lâu nay”- ông Thanh đề nghị.