Hình dung hiểm họa

Cẩm Anh 15/03/2017 09:35

Sự cố vỡ đập chứa bùn thải quặng thiếc ở Quỳ Hợp (Nghệ An) đã cho thấy một thảm họa ẩn chứa vốn đã được cảnh báo từ lâu: Những đập chứa bùn thải độc hại cheo leo trên những độ cao 600 - 700m được thiết kế ẩu và tùy tiện có thể “bục” ra bất cứ lúc nào. Hậu quả là khôn lường!

Hiện trường vụ vỡ đập hồ chứa bùn thải tại xã Châu Hồng và xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Trong khi các cơ quan chức năng còn đang kiểm tra, giám sát nguyên nhân cũng như việc khắc phục sự cố, thì sự thật là nhiều trăm m2 bùn thải đã tràn ra ngoài, chảy từ độ cao 700m so với mực nước biển, vùi lấp hàng trăm hecta lúa, tràn ra các dòng sông, cá trên dòng sông Nậm Huống chết hàng loạt…

Thật đáng ngại khi vừa mới ngày hôm qua, 14/3, Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông, thông điệp chung của nhân loại là cùng cất chung tiếng nói chống lại các dự án phát triển dưới nước mang tính phá hủy, đòi lại sức khỏe, yêu cầu chính sách quản lý công bằng và bền vững cho các dòng sông.

Sự việc cho thấy, ở Việt Nam, bảo vệ môi trường nói chung trong sự phát triển hôm nay và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các dòng sông nói riêng, vẫn đang là một thách thức rất lớn.

Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông được thông qua tại Hội nghị Quốc tế đầu tiền về Con người bị ảnh hưởng bởi các con đập vào tháng 3-1997 tại Curitiba, Brazil. Đại diện từ 20 quốc gia đã quyết định Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông sẽ diễn ra vào ngày 14-3, ngày mà đất nước Brazil hành động chống lại các con đập lớn.

Ở Việt Nam với việc nguy cơ vỡ đập lớn chứa nước của các thủy điện đã là một nỗi lo thường trực. Lại thêm cả nỗi đe dọa từ các đập chứa bùn thải của các dự án khai thác khoáng sản thì càng bức thiết phải hành động để đòi lại sức khỏe cho người dân và sức sống cho các dòng sông.

Hãy thử hình dung sẽ thấy những đập chứa bùn thải chênh vênh trên những độ cao dựa một bên vào núi, một bên chỉ đắp bằng đất như đập chứa bùn thải quặng thiếc của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc vừa bị vỡ mới thấy tính nguy hiểm của những “túi bom bẩn” này khủng khiếp biết nhường nào. Theo nhận định ban đầu của Đoàn kiểm tra Bộ Công thương, việc xây đập chứa bùn thải nơi xảy ra sự cố là không đúng thiết kế.

Một câu hỏi lớn cũng chênh vênh không kém những đập chứa bùn thải là còn bao nhiêu đập chứa bùn kiểu này đang tồn tại ở hàng trăm, hàng nghìn điểm khai thác khoáng sản hiện nay?

“Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương yêu cầu phía Công ty cần có hành lang thoát lũ được gia cố bằng đá hộc, vữa xi măng chứ không chỉ gia cố bằng đất như hiện tại, đây có thể là nguyên nhân sơ bộ dẫn đến sự cố vỡ đập chứa bùn thải. Công ty phải sớm có phương án xây dựng đập lâu dài, an toàn cho bãi thải, để bảo vệ môi trường”- thông tin này đã nói lên rất nhiều kẽ hở trong quản lý, cấp phép hiện nay mà chỉ “lộ” khi có sự cố xảy ra. Mà thường đã thành sự cố thì hậu quả không bao giờ nhỏ. Đó là vì sao đập chứa bùn thải không đúng thiết kế mà xí nghiệp này vẫn được cấp phép hoạt động? Vì sao chỉ gia cố bằng đất là bao nhiêu cơ quan vẫn làm ngơ bấy lâu nay?

Chúng ta gần đây đề cập nhiều đến một chủ trương quyết liệt: Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Một chủ trương đúng đắn và rất lớn, ở tầm chiến lược phát triển quốc gia. Nhưng có vẻ như nó chưa được thấm nhuần trong hành động của mọi ngành mọi cấp. Sự buông lỏng quản lý tại nhiều địa phương và việc làm liều, làm ẩu, chỉ cốt để thu được lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đang là “cú bắt tay” ngoạn mục đe dọa trực tiếp đến môi trường sống và sự phát triển bền vững của đất nước.

Một khối lượng khổng lồ bùn thải quặng thiếc lan tràn ra mặt đất, mặt nước không chỉ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân trong vùng ngay thời điểm này, như lúa chết, cá chết mà phải rất lâu dài, ruộng vườn, sông suối mới có thể trở lại bình thường. Quãng thời gian để khắc phục vô cùng gian nan.

Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ về kiểm soát và xử lý, vấn đề là thực thi. Xử phạt các đơn vị để xảy ra sự cố môi trường là đúng nhưng cần phải xử thật nghiêm các tập thể, cá nhân có trách nhiệm quản lý hoạt động của các đơn vị này. Chính sự bao che, làm ngơ đã gây ra sự bất công với môi trường. Chỉ có xử lý trách nhiệm công vụ mới có thể tạo ra sự lành mạnh trong quản lý để cùng nâng cao trách nhiệm, chung tiếng nói quản lý và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, nhân sự cố này, cũng nên có sự xem xét rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của rất nhiều mỏ hoặc khu khai thác khoáng sản- một trong những nguyên nhân của những ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, đe dọa sự sống của các dòng sông hiện nay.

Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, sự tích tụ chất thải rắn từ khai thác quặng trong các sông suối có thể làm thay đổi lưu lượng dòng chảy, dung tích chứa nước, biến đổi chất lượng nguồn nước và làm suy giảm công năng các công trình thuỷ lợi liền kề các khu khai thác mỏ.

Ví dụ người ta tính được rằng ở khu mỏ thiếc Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), tổng lượng nước thải công nghiệp gồm bùn cát và nước khoảng 2.000m3/ngày, được xả ra các đập lắng có tổng dung tích trên 74.000m3. Các đập lắng nước này đã làm tăng đáng kể diện tích mặt nước, thay đổi chế độ thuỷ văn của suối.

Các hồ và suối trước đây là nguồn nước sản xuất nông nghiệp, nay hoàn toàn không thể sử dụng được. Còn tại các mỏ thiếc, đá quí ở miền Tây Nghệ An, do quá trình đào bới và đổ thải, các dòng suối ở đây là nguồn cấp nước cho nông nghiệp của khu vực, bị xói lở bờ, bồi lấp dòng chảy, đổi dòng, giảm khả năng tưới, từ đó gây ra giảm vụ, giảm năng suất cây trồng…

Không chỉ dừng lại ở những hiểm họa trước mắt, nếu ý thức bảo vệ môi trường, cân bằng môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp vẫn như hiện nay, chúng ta sẽ còn phải gánh chịu những thảm họa lâu dài, nghiêm trọng hơn rất nhiều mà sự cố vỡ đập chứa bùn thải quặng thiếc ở Quỳ Hợp (Nghệ An) vừa qua mới chỉ là một trong số đó.

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 14/3, Bộ TNMT đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản đối với Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Thượng Hiền- Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT làm Trưởng đoàn.

Đoàn sẽ bắt đầu làm việc từ 8H ngày 15/3/2017 với những nội dung: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản đối với Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh; kiểm tra việc khắc phục sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải từ hoạt động tuyển quặng của Dự án khai thác, chế biến quặng thiếc phía Đông Suối Bắc tại xã Châu Hồng và xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

V.Hải

Cẩm Anh