Hơn 4.000 đường ngang trái phép: Ai chịu trách nhiệm?
Ngày 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hơn 4.000 đường ngang trái phép mà không có chế tài nghiêm thì khó xử lý được. Do đó Luật phải quy định không chỉ gắn với trách nhiệm của ngành giao thông mà của cả địa phương có đường sắt đi qua.
Tùy tiện băng qua đường tàu dễ xảy ra tai nạn. (Ảnh: T.L).
Còn Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng Dự thảo Luật cần quy định rõ, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt, nhất là về đầu tư để đưa đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém như hiện nay.
Nói về việc mở mang đường sắt, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long rất quan trọng nhưng làm sao để mở đường sắt cho vùng này, “hiện đường bộ đã mở đến mũi Cà Mau rồi”. Theo ông Giàu, phải có chính sách thu hút vì đây là vùng dân đông, sản xuất hàng hóa lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong đầu tư trung hạn, đường bộ đầu tư 92,9%, còn đường sắt mới chỉ 1,6-5,6%. Vừa qua chúng ta chủ yếu đầu tư cho đường bộ cho nên đường sắt yếu là có lý do của nó. Trong 70 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ làm sao dành một phần cho đường sắt để cân đối hài hòa, tạo sự kết nối giữa 4 hệ thống: đường bộ; đường thủy; đường sắt; hàng không. Nếu không cân đối thì hệ thống giao thông của ta khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, thị phần đường sắt chưa được 1% trong khi đầu tư 1,6%. Như vậy hiệu quả khai thác chưa tương xứng với mức đầu tư. Mục tiêu đặt ra sau năm 2020 thị phần là 1,5%, vậy bài toán đầu tư thời gian tới là bao nhiêu? để đạt như thị phần là 1,5%? Nguồn vốn bỏ ra trông chờ về kết quả như thế nào thì chưa thấy rõ cũng như chưa thấy trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề an sinh xã hội.
Đề cập đến việc làm sao tăng thị phần cho đường sắt, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “10 năm gần đây đường bộ phát triển rất nhanh. Giờ từ Hà Nội về Nghệ An hay Hà Tĩnh có nhiều tuyến xe giường nằm rất hấp dẫn, nằm ngủ đến sáng thì đến nơi. Còn đường sắt thì chưa hấp dẫn, chạy tàu ồn nên khách trung tuổi nằm vật vã trên tàu không ngủ được. Kinh hoàng nhất là nhà vệ sinh, đây là cái nhỏ nhưng lại khiến nhiều người không muốn đi đường sắt. Vậy chính sách nào để phát triển đột phá? Đột phá nghĩa là nhanh và khác thường thì liên quan đến chính sách đầu tư vậy cần rà lại Luật Thuế xuất khẩu nhập khẩu, bởi miễn cũng phải theo quy định chứ hiện giờ chưa có sự thống nhất trong miễn xuất nhập khẩu đối với phụ tùng thay thế thiết bị cho đường sắt”
Vấn đề được nhiều đại biểu lo ngại nhất chính là an toàn cho đường sắt, nhất là tại những nơi giao cắt có đường dân sinh. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Trong 5 năm qua xảy ra bao nhiều vụ tai nạn lớn ở giao cắt đường bộ với đường sắt, xảy ra ở nút giao nào? Trách nhiệm của ai? Đã xử lý được tổ chức cá nhân nào chưa? Luật này có giải quyết dứt điểm được tồn tại không để tránh tình trạng liên tục xảy ra tai nạn?
Giải trình, ông Vũ Anh Minh- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Hiện có 4.211 lối đi dân sinh, là những đường ngang mở trái phép. Do vậy, các lối đi dân sinh hầu hết không có cảnh báo vì là mở trái phép không nằm trong quy hoạch. “Trong thời gian qua, trước áp lực của việc tai nạn giao thông, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ GTVT đã rà soát cùng với địa phương, cố gắng rà soát những điểm đen, tập trung cho người cảnh báo, gác tạm thời ở đó chứ hiện nay 4.211 lối tự mở chúng ta không thể lắp hệ thống cảnh báo. Do đó đã phối hợp với địa phương, yêu cầu địa phương xóa bỏ đường ngang. Thứ hai là làm đường gom vào các vị trí có đường ngang theo quy định pháp luật để có thể lắm cần chắn tự động”- ông Minh cho hay.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, thời gian qua có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Luật quy định rõ, các tuyến dân sinh do địa phương trực tiếp quản lý, khi có nhu cầu mở đường ngang, Tổng Công ty Đường sắt đều đáp ứng theo đúng quy định chứ không khó khăn gì. Tuy nhiên vừa qua mở đường ngang dân sinh rất tùy tiện, nhiều địa phương không nắm được. Theo ông Nghĩa, Luật lần này sẽ làm rõ trách nhiệm của địa phương, không thể cứ mở đường ngang dân sinh như thế khiến người lái tàu rất căng thẳng. Nhiều địa phương đề xuất làm đường gom hợp lý, nhưng đường dân sinh còn tuỳ tiện, có khi cứ cửa nhà người ta người ta cứ đi qua.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hiện nay tai nạn chỉ xảy ra ở nơi mở đường dân sinh trái phép. Phải ban hành Luật để xử lý bất cập này. Hơn 4.000 đường ngang trái phép mà không có chế tài nghiêm thì khó xử lý được. Mở đường dân sinh trái phép để gây tai nạn thì phải mất chức chứ không thể chỉ nói chung chung. Do đó Luật phải quy định không chỉ gắn với trách nhiệm của ngành giao thông mà của cả địa phương có đường sắt đi qua.
“Tôi rất thấm thía câu nói của Bộ trưởng Bộ GTVT nói dù đường sắt có cố gắng nâng tốc độ đến đâu nhưng mở đường dân sinh thì chỉ là vô nghĩa. Thực tế đã có người lái tàu phải mất cánh tay để cố gắng bảo toàn an toàn cho hàng khách. Đừng để xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Đường dân sinh qua đường sắt phải với gắn trách nhiệm của địa phương. Nơi nào mở đường dân sinh trái phép, nếu để xảy ra tai nạn thì phải có chế tài. Nơi nào để mở đường dân sinh trái phép, tức là vi phạm pháp luật; để xảy ra tai nạn thì phải xem xét trách nhiệm. Luật phải nghiêm, nơi nào mở đường dân sinh trái phép thì kỷ luật ngay chủ tịch xã, chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh chỗ đó. Còn thực sự phải mở thì Nhà nước sẽ đầu tư”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.