Tiềm năng du lịch Thành nhà Hồ: Không để lãng phí
Nhằm làm rõ các giá trị văn hóa, lịch sử của di sản Thành nhà Hồ, Sở VHTTDL Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ vừa tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Di sản Thành Nhà Hồ và Khu di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt trong Quy hoạch bảo tồn gắn với phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc”. Hội thảo là dịp đã đánh giá, nhận thức sâu hơn những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của những di sản trên tuyến Quốc Lộ 217, từ Ly Cung đến Thành nhà Hồ mà trung tâm là các di sản trên địa bàn h
Thành nhà Hồ.
Nhận diện giá trị di sản
Với 19 tham luận các đại biểu đã cùng nhau thảo luận 3 nhóm vấn đề gồm nhân vật lịch sử có liên quan đến Di sản Thành nhà Hồ và khu di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt trong lịch sử dân tộc qua các thế kỷ XV-XVII; Bảo tồn và phát huy di sản phục vụ phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc gồm những báo cáo chuyên sâu nghiên cứu về các di sản cụ thể tiêu biểu trên đất Vĩnh Lộc; Từ tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn hiện hữu trên đất Vĩnh Lộc và các giải pháp phát triển du lịch cũng như việc tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống qua các di sản cho các thế hệ người dân.
Trong đó, về giá trị văn hóa – lịch sử của di sản Thành nhà Hồ theo các nhà nghiên cứu cùng nhìn nhận với những dấu tích còn lại, thành nhà Hồ là biểu hiện vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ, phản ánh sự trao đổi quan trọng các giá trị của văn hóa phương Đông. Đó là việc lấy kiến trúc để thể hiện tư tưởng vương quyền theo kiểu Đông Á và ý chí cải cách theo xu thế thời đại, khai thác các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, kết hợp và sáng tạo một cách tài tình tri thức xây dựng truyền thống Đông Á, Đông Nam Á và của dân tộc Việt Nam trong việc quy hoạch không gian và thiết kế các yếu tố kiến trúc của một kinh thành quân chủ tập quyền kiểu Đông phương vào cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15.
TS. Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Thành nhà Hồ cho hay: Theo các tư liệu hiện biết, mặc dù đá là nguyên liệu khá phổ biến trong lịch sử kiến trúc thế giới, nhưng chưa có kinh đô nào ở Đông Nam Á và Đông Á có vòng Hoàng thành được xây dựng bằng các khối đá lớn như Thành Nhà Hồ. Trong khi đó, Thành Nhà Hồ nổi bật lên với toà thành nội bằng đá lớn chắc chắn, uy nghiêm, cho thấy sức mạnh tổ chức, huy động nhân lực và khả năng sáng tạo đáng khâm phục trong quy trình khai thác, chế tác, vận chuyển, nâng và xếp các khối đá nặng từ 10 tấn đến 26 tấn từ mặt đất lên tới độ cao hàng chục mét.
Ngoài ra, những công trình kiến trúc khác trong thành cũng đều được huy động đá vào các vị trí quan trọng nhất của kiến trúc kinh đô: đá xây bó nền, đá xây lan can thành bậc, đá chân tảng. Đồng thời, nhiều loại đá khác được sử dụng để xây dựng Nam Giao. Điều đó cho thấy nhiều kĩ thuật và kinh nghiệm xây dựng đa dạng đã được phát huy ở thời kỳ này. Dựa vào điều kiện thực tế để lựa chọn nguồn nguyên liệu xây thành, vào điều kiện tự nhiên để thiết kế hướng thành, vừa tránh gió Tây Nam nóng bức, vừa hài hòa với các yếu tố phong thủy, Hồ Quý Ly thể hiện rõ ràng là một người đi theo các nguyên tắc của Tân Nho giáo, cũng như ý chí cải cách và chấn hưng đất nước mà cha con ông đã thực hiện trong 7 năm cầm quyền ngắn ngủi. Sự nghiệp của nhà Hồ tuy chưa kịp hoàn thành do cuộc xâm lược của nhà Minh. Nhưng tư tưởng và các chính sách của nhà Hồ đã được tiếp tục thực hiện vào thời Lê Sơ, tạo nên một giai đoạn phát triển thịnh vượng của đất nước.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Với tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhưng hiện di sản Thành nhà Hồ và Phủ Trịnh- Nghè Vẹt vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hảo - Chuyên gia ngành bảo tồn di tích cho rằng dường như việc khai thác nguồn lợi từ di sản vẫn là dấu hỏi lớn.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tấn - Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa phân tích trong lộ trình chủ yếu quen thuộc này, du khách chỉ được nhìn ngắm, thưởng thức nhanh nơi di tích, thắng cảnh để rồi trở về nơi xuất phát khi chiều buông. Vì vậy, trong nhiều năm, sau 3 tháng hè kết thúc, Sầm Sơn vãn khách thì hành trình du lịch đến Xứ Thanh với những trọng điểm di tích thắng cảnh như vừa nêu cũng vắng bóng theo. Nhưng gần đây, để khắc phục “hội chứng du lịch một mùa”, tỉnh Thanh Hoá, mà trước hết là ngành du lịch và các huyện - thị có di tích nổi tiếng đã có nhiều cố gắng tích cực trong việc quảng bá, tuyên truyền du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng sự phối hợp, liên kết chặt chẽ với các cơ quan lữ hành và hướng dẫn du lịch lập thêm các tour, tuyến, lộ trình du lịch mới để đưa ngày một nhiều du khách đến được với những địa chỉ du lịch hấp dẫn khác (như Bến En, và các khu bảo tồn thiên nhiên ở miền Tây Xứ Thanh…). Với những cố gắng đó mà “hội chứng du lịch một mùa” đã từng bước được khắc phục một cách rõ rệt…
Trực tiếp tham gia phát triển du lịch, lý giải về điều này, ông Lê Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc) đề nghị trước tiên trong kế hoạch xây dựng tour du lịch đến với Thành Nnà Hồ cho khách tham quan có điểm đến Vĩnh Hùng là Nghè Vẹt - phủ Trịnh - chùa Báo Ân - lăng mộ triết vương Trịnh Tùng. Lễ hội “Rước nước” ở chùa Báo Ân là lễ hội độc đáo ở xứ Thanh đã được trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá cao, được quỹ Ford cấp vốn khôi phục “tiếng hát chèo thuyền” trên sông trong lễ hội, đề nghị xây dựng hồ sơ công nhận di sản phi vật thể cấp Quốc gia… “Nếu được các ngành chức năng quan tâm, xem xét địa phương sẽ phối hợp tích cực để các lễ hội, di tích trên được nhà nước công nhận. Và đó cũng là nguyện vọng của nhân dân địa phương. Nếu làm được điều đó thì tiềm năng di sản ở vùng đất này ngày càng phát huy trong tiềm năng du lịch của huyện, của tỉnh” ông Trung cho hay.