Đón nhận mô hình phục dựng kiến trúc cổng làng Mông Phụ

Trần Vân - Kim Vui 16/03/2017 21:24

Được sự đồng ý của Sở VH-TT Hà Nội, sự giúp đỡ của Hội khoa học lịch sử Việt Nam, ngày 16/3, tại Bảo tàng Hà Nội, đã diễn lễ đón nhận mô hình cổng làng Mông Phụ do GS.KTS Ejima Akiyoshi (Nhật Bản) trao tặng.

Lễ đón nhận mô hình cổng làng Mông Phụ.

Cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ thời Hậu Lê năm 1553 - thời vua Lê Thần Tông, mang những nét kiến trúc độc đáo và đặc trưng của cổng làng Bắc Bộ. Cổng làng đã có những dấu hiệu bị hư hại và được tu bổ năm 2008 trong dự án hợp tác Việt - Nhật.

Để phục dựng mô hình cổng làng Mông Phụ, kiến trúc sư Ejima Akiyoshi đã điều tra lấy thông tin về công trình đó, nghiên cứu đo đạc về hiện trạng của công trình và quyết định những bước để tiến hành tu bổ, trong đó dùng mô hình để phục dựng lại phần bị mất của công trình kiến trúc.

Trước khi tiến hành phục dựng công trình cổng làng Mông phụ, hệ thống tường gạch, cột gạch, hệ thống kì kèo, hàng cột gỗ còn nguyên nhưng toàn bộ bộ cửa, khung cửa cũng như 2 cánh cửa đã bị phá rỡ trong chiến tranh cũng quá trình người dân sử dụng cổng. GS đã lấy ý kiến của người dân trong làng để bổ sung các điểm mà chuyên gia đã hình dung, từ đó đưa lại hình ảnh phục dựng sao cho giống với phần bị mất một cách gần gũi nhất.

Mô hình cổng làng Mông Phụ theo tỉ lệ 1/10 bằng loại gỗ quý bách hội của Nhật Bản và gỗ ramin (Đông Nam Á) làm cột trơn, với kích thước rộng 90, sâu 60, cao 63 cm, bằng 1/10 so với kích thước thật, các cấu kiện rất chi tiết và có thể tháo ra, lắp vào phục vụ tập huấn tu bổ, giảng dạy.

GS.KTS Ejima Akiyoshi lắp ghép mô hình trước buổi trao tặng.

Theo chia sẻ của GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, toàn bộ công trình do chính tay ​giáo sư, ​kiến trúc sư Ejima Akiyoshi là người xây dựng, thiết kế. “Người ta nói nhiều đến cây đa, giếng nước, chợ làng mà ít quan tâm nghiên cứu đến cổng làng. Nhưng theo tôi cổng làng mới là cái tiêu biểu nhất của làng. Đây là nơi mỗi thành viên trong làng qua lại, cũng như du khách muốn tiếp xúc với làng phải qua cổng làng. Dù các cổng làng có điểm chung nhưng đi sâu vào nghiên cứu sẽ thấy nét đặc sắc riêng. Công trình của của GS.KTS Ejima Akiyoshi là một mô hình di tích đáng quý, đáng tin và có thể nhân rộng trong việc bảo tồn các di tích lịch sử”.

Trần Vân - Kim Vui