Để mất rừng thì Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm
Chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Trong quản lý rừng, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng vẫn chưa phù hợp với thực tế.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, ông Phan Xuân Dũng- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học -công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: Thường trực Ủy ban cho rằng, quy định về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng vẫn chưa phù hợp với thực tế. Vì hiện nay, việc cho thuê đất dưới tán rừng để trồng dược liệu quý có giá trị cao vẫn được các địa phương thực hiện mà không ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Do đó cần nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
“Quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng, Ban soạn thảo cần căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật để quy định chi tiết tiêu chí, trình tự thủ tục, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng gắn liền với chuyển mục đích sử dụng đất một cách phù hợp, bảo đảm được tính bền vững của hệ sinh thái”- ông Dũng cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, rừng trên cao nhưng chính sách đầu tư dưới thấp, anh ở dưới thấp lại được đầu tư cao. Toàn lấy ở rừng về chứ có đầu tư đâu.
“Như Lào chặt 1 cây trồng 1 cây, còn của ta bao nhiêu thú quý, gỗ quý lấy hết. Chặt 100 cây thì trồng được 1 cây. Rừng giờ làm giàu cho lâm tặc. Tôi đi cả nước thấy cơ bản rừng đã phá hết rồi, còn độ che phủ mới trồng được tý thôi. Nhiều người nói bên ngoài “xanh tốt” nhưng bên trong “viêm đại tràng nặng” rồi. Lâu nay chúng ta chỉ tập trung phân điền làm nảy sinh nhiều “đại gia” và “đại ca”. Nhưng toàn “đại ca” phá rừng, do vậy phải làm sao tăng “đại gia” giảm “đại ca” thì đất nước mới giàu. Cái này mà Luật không điều chỉnh thì rất bất cập”- ông Việt chỉ rõ.
Dẫn chứng việc rừng trồng cây trăm năm tuổi nhưng chuyển đổi sang trồng cao su nhưng cao su không lên được vì đất cạn kiệt, ông Việt đặt vấn đề: Phá rừng có ai chịu trách nhiệm không? Không ai chịu trách nhiệm cả. Chỉ lợi dụng cơ chế chính sách chuyển đổi rừng để mà vơ vét. Từ đó ông Việt kiến nghị, bây giờ phải xác định rõ cấp nào chịu trách nhiệm? Cái nào cấp xã, cái nào cấp huyện, cái nào cấp tỉnh thì phải có cơ quan cấp trên xem xét. Ví dụ tỉnh muốn chuyển đổi rừng phải được Bộ Tài nguyên - Môi trường xem xét thì mới giám sát được nhau chứ không phải mạnh ai nấy làm. Đồng thời phải có cơ chế chính sách cho người dân sống từ rừng và làm giàu từ rừng.
Theo ông Hà Ngọc Chiến- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cần bổ sung chính sách bảo vệ rừng đối với đồng bào dân tộc để họ được hưởng chính sách như đối với rừng đầu nguồn và phòng hộ. Để đảm bảo sống từ rừng có thu nhập từ rừng có sự chia sẻ lợi ích giữa người dân sống trong vùng lõi với Ban quản lý rừng trong việc tham gia bảo vệ rừng, giữ rừng, được lấy sản phẩm phụ, và trồng, cũng như khai thác cây dược liệu.
Cho rằng quản lý rừng còn nhiều bất cập nhưng Luật lần này vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu từ quy trình, thẩm định, cho đến phê duyệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, rừng đặc dụng nên đưa vào rừng khu vực biên giới vì liên quan đến quốc phòng - an ninh. Nước ta có dải biên giới dài với các nước bạn, nếu để trọc thì rất gay. Khi chiến tranh xảy ra thì nguy hiểm. Do đó rừng đặc dụng nên đưa vào rừng biên giới để quản lý sâu hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nói: “Bảo vệ rừng là cấp bách, trong trách nhiệm bảo vệ rừng có nói tỉnh và huyện. Nhưng phải giao trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch huyện. Để mất rừng thì Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm”.