Nông sản vẫn phụ thuộc một thị trường
Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2017, cả nước đã chi tới 67 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng rau củ quả từ 2 thị trường Thái Lan và Trung Quốc. Nguy cơ nhập siêu lớn là điều đã được cảnh báo, bên cạnh đó giới chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ quan ngại về việc xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc vào một thị trường.
Thanh long chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: TL.
67 triệu USD nhập rau củ quả
Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, tình hình nhập khẩu các mặt hàng rau củ quả về Việt Nam trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2017 có xu hướng nhập khẩu lớn các mặt hàng rau củ quả, khi mà số tiền chi cho nhập khẩu mặt hàng này lên tới 67 triệu USD. Trong đó, 2 thị trường là Trung Quốc và Thái Lan đã chiếm gần 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam.
Cụ thể, rau củ quả nhập từ Thái Lan 2 tháng đầu năm lên đến 82 triệu USD, chiếm hơn 50% giá trị nhập khẩu cả nước; hoa quả Trung Quốc đạt 31 triệu USD, chiếm hơn 19% giá trị nhập khẩu cả nước. Như vậy, mỗi ngày người Việt chi khoảng 2 triệu USD (tương đương 44,5 tỉ đồng) để nhập rau củ quả từ Trung Quốc và Thái Lan.
Những con số nói trên làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ nhập siêu lớn sẽ quay trở lại, đặc biệt lại là nhập những mặt hàng mà chính trong nước cũng sản xuất được. “Có những mặt hàng nhập khẩu nhiều mà Việt Nam có thể sản xuất được, nếu không điều hòa thì nền kinh tế có thể quay trở lại hiện trạng nhập siêu”- Tổng cục Hải quan cảnh báo.
Lo ngại nhập siêu là một yếu tố, một khía cạnh khác cũng rất đáng quan ngại là việc nông nghiệp của ta phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc- một thị trường dễ tính và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thử hình dung thế này, xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm và cả các sản phẩm thủy hải sản như cá tra, tôm… khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… đều phải tuân thủ các yêu cầu, quy chuẩn rất khắt khe từ phía đối tác. Nhưng với thị trường Trung Quốc, chúng ta có thể xuất khẩu mà họ không hề đưa ra bất cứ yêu cầu gì.
Theo đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt giá trị không cao. Theo chia sẻ của một số DN, lý do khiến cho Trung Quốc vẫn là thị trường trọng yếu của Việt Nam là bởi, hàng hóa của chúng ta chất lượng không đồng đều, không đủ tiêu chuẩn để đưa sang các thị trường khó tính.
Vẫn phụ thuộc một thị trường
Theo TS Lê Đức Thịnh- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), khi các DN vẫn còn dễ dãi với các sản phẩm và chỉ chú trọng chạy theo sản lượng, thì thị trường Trung Quốc chính là nơi đáp ứng sự dễ tính đó. Tuy nhiên, xu thế hội nhập hiện nay buộc DN phải thay đổi chiến lược nếu không muốn tự rơi rụng dần.
“Xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thay vì quá chú trọng vào những thị trường dễ dãi, các DN cần hướng đến các thị trường có yêu cầu về chất lượng cao, như vậy mới tạo được động lực để nâng sức cạnh tranh cho chính mình”- TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn chia sẻ như vậy khi nói về việc xuất nhập khẩu của Việt Nam khá phụ thuộc vào một thị trường hiện nay.
Bên cạnh đó, các bài học về thực trạng thương lái thu mua nông lâm thủy sản vẫn còn rất nóng. Bà con nông dân đã từng “dở sống dở chết” vì hàng chục tấn lợn mỡ tồn đọng do đã được thương lái nước ngoài “giao kèo miệng” sẽ mua nhưng lại lặn mất tăm. Hay thực trạng thương lái nước ngoài thu mua cá tra cỡ lớn (trên 1kg/con) khiến người dân đổ xô vào nuôi nhưng đến lúc thu hoạch lại “dở chứng”, kết quả là, bà con nông dân nuôi cá tra lỗ nặng.
Cần phải thừa nhận, hoạt động thu mua nông sản của các thương lái nước ngoài tại Việt Nam đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản, giải quyết đầu ra cho bà con nông dân. Tuy nhiên, đằng sau đó là hàng loạt vấn đề tiêu cực như thực trạng bà con nông dân bị “lật kèo” do hầu hết các “hợp đồng” đều chỉ được thực hiện bằng… miệng. Hay việc sản phẩm nông sản bị ép giá... và cuối cùng, nông dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Rõ ràng, nếu việc xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản vẫn còn phụ thuộc vào một thị trường sẽ khó tránh khỏi những rủi ro cho nền kinh tế. Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, nhà sản xuất, DN Việt cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng đến những thị trường khó tính trên thế giới, như vậy vừa tăng giá trị xuất khẩu, lại tránh được hàng loạt những biến cố của thị trường. Và tất nhiên để giải quyết được vấn đề này, câu chuyện liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - doanh nghiệp và nhà nông tiếp tục được đặt ra.