Doanh nghiệp Nhật than khó vì thủ tục
Các nhà đầu tư Nhật Bản, thời gian qua thủ tục của cơ quan quản lý có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một vài quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nhập khẩu nguyên phụ liệu lương thực, thực phẩm để sản xuất và DN bán lẻ các mặt hàng thực phẩm.
Theo phản ảnh của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổng hợp các ý kiến của DN Nhật hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, sản xuất thực phẩm tại Việt Nam, DN Nhật đang gặp khó khăn trong khâu nhập hàng mẫu.
Có trường hợp, một công ty vận tải lớn của Nhật Bản vẫn tiến hành kiểm tra thủ tục kiểm tra đối với mẫu thực phẩm trên 5 kg. Do mất thời gian kiểm tra hàng mẫu, vì vậy đa phần khi hàng hóa thông quan phải mất 2 tuần và giá thành bị tăng lên. Điều này gây cản trở cho hoạt động nghiên cứu phát triển của Việt Nam.
Đối với hoạt động bán lẻ lương thực, thực phẩm trong thị trường Việt Nam, các DN Nhật cho biết, tại Nhật, điều kiện Logictis phát triển nên các DN bán lẻ sử dụng kho tổng chung, không cần kho trữ hàng riêng.
Theo đó, Luật liên quan đến vệ sinh thực phẩm của Nhật hiện hành không cấm trưng bày hàng thực phẩm và phi thực phẩm cạnh nhau. Các cửa hàng tiện ích thường có diện tích nhỏ nên hàng thực phẩm và phi thực phẩm được trưng bày gần nhau để tiết kiệm không gian.
Tại Việt Nam quy định khác hẳn. Bộ Y tế quy định, thành phẩm thực phẩm phải được bảo quản trong khu vực, kho riêng. Bộ Công thương cho rằng, quy định về cất trữ hàng hóa trong kho phải tuân thủ bởi điều kiện khí hậu Việt Nam nóng ẩm, gió mùa, rất ẩm, nóng là điều kiện dễ phát sinh các loại nấm mốc và phòng ngừa các côn trùng, chuột.
Tại TP HCM, cách sắp xếp hàng hóa thực phẩm và phi thực phẩm cần phải tách riêng. DN Nhật Bản khẳng định, tất cả các quy định liên quan đều làm khó doanh nghiệp. Như ở đợt kiểm tra siêu thị do DN Nhật kinh doanh tại Hà Nội vừa qua, nhiều quầy hàng không tuân thủ việc các quy định về người đứng bán thực phẩm.
Bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, quy định về bảo quản thực phẩm trong khu vực, kho riêng chỉ áp dụng đối với các kho hàng, không áp dụng cho các cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Ngoài ra, theo điều kiện kinh doanh thực phẩm, không có nội dung nào đề cập quy định để riêng, chung hàng phi thực phẩm và thực phẩm. Trường hợp bị cơ quan quản lý làm khó DN có thể đưa các quy định ra đối chứng để tự bảo vệ mình. Bộ này cho biết thêm, do quá trình phân cấp quyền xuống địa phương mà lực lượng địa phương lại chưa nắm rõ nên nhầm lẫn về quy định khi áp dụng. Bộ xin tiếp thu ý kiến và sẽ điều chỉnh. Nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN đầu tư, Jetro kiến nghị, Bộ Công thương cần có văn bản chính thức gửi cho các Sở Công thương các tỉnh thành để nói rõ vấn đề trong việc vận dụng các văn bản quy định như vậy sẽ tránh được trường hợp hiểu sai vấn đề gây khó cho DN.