Đại sứ Phạm Sanh Châu: Ngoại giao văn hóa Việt bằng tranh
Mới đây, một dự án ngoại giao văn hóa đã được khởi động thông qua việc giới thiệu những bức tranh của các họa sĩ Việt Nam tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Nói cách khác, tranh Việt sẽ là một đại sứ ngoại giao để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Nhân dịp này, Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Phạm Sanh Châu, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO - người có sáng kiến khởi động dự án nói trên.
Đại sứ Phạm Sanh Châu.
PV: Thưa ông, được biết ý tưởng quảng bá văn hóa Việt bằng tranh đã được ông ấp ủ từ lâu, nhưng mãi cho đến thời điểm này mới có thể thực hiện được?
Ông Phạm Sanh Châu: Thật ra quảng bá văn hóa Việt Nam, quảng bá mỹ thuật Việt Nam thông qua con đường ngoại giao thì tôi đã làm rồi.Nhưng quảng bá với tư cách là chủ trương của Bộ Ngoại giao, của lãnh đạo Bộ Ngoại giao thì bây giờ mới có.
Bởi những yếu tố sau đây: Trước đây có một thời gian dài chúng ta chưa chú trọng tới ngoại giao văn hóa. Bây giờ vấn đề này đã được nhìn nhận khác, ngoại giao văn hóa được quán triệt để trở thành trụ cột. Vấn đề thứ hai nữa là trước đây mình chưa có được một lực lượng họa sĩ hùng hậu như hiện nay và nhiệt tình đến như vậy. Bây giờ lực lượng họa sĩ nhiều, nền mỹ thuật Việt Nam cũng phát triển. Thứ ba nữa là giờ đây điều kiện về cơ sở vật chất của chúng ta cũng tốt hơn.
Tất cả những yếu tố ấy đã góp phần giúp cho việc hiện thực hóa ý tưởng bấy lâu. Việc quảng bá được mỹ thuật, nghệ thuật Việt Nam đến với thế giới, và cũng là để làm đẹp các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bằng các tác phẩm nghệ thuật thực sự của chính các họa sĩ Việt Nam, những tác phẩm đẹp được treo trang trọng tại các tòa nhà sứ quán Việt Nam ở nước ngoài là một điều đáng tự hào.
Dẫu thế yếu tố cản trở nhiều nhất là tôi ngại là “xin” tranh của các họa sĩ. Thứ nữa là việc chọn tranh thế nào, chọn tranh của ai. Điều vui mừng là khi tôi đến một số phòng tranh, tất cả mọi người đều sẵn sàng với ý tưởng ngoại giao văn hóa bằng tranh.
Ở thời điểm này, cứ coi như ý tưởng ấy là bước thử nghiệm. Trước mắt tôi muốn ý tưởng này phải được kích hoạt. Tất nhiên là sẽ có người chê, người khen. Song tôi thấy thật may mắn vì Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ủng hộ chủ trương này.
Thưa ông, được biết chương trình mới khởi động nhưng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các họa sĩ. Thời gian tiếp nhận tranh sẽ kéo dài trong bao lâu?
Trong buổi khởi động chương trình (ngày 10/3 vừa qua), Vụ Văn hoá Đối ngoại và UNESCO cùng các hoạ sĩ đã lập một trang mạng: Mỹ Thuật Việt Nam và Ngoại giao văn hoá để các hoạ sĩ post các bức tranh ủng hộ cho chương trình.
Hưởng ứng chương trình này, những họa sĩ nào có tranh tặng, họ sẽ tự post lên mạng nói trên. Và chỉ trong vòng khoảng 2,3 ngày đầu tiên đã có hơn hai chục họa sĩ và hơn hai chục bức tranh gửi tặng rồi. Có những họa sĩ còn đề nghị tặng 3, 4 bức.
Về việc lựa chọn tranh tặng các Đại sứ quán sẽ thông qua Hội đồng thẩm định. Ban tổ chức cuộc vận động sẽ mời Bộ VHTTDL, Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam và một số chuyên gia trong lĩnh vực này tham gia.
Về thời gian tiếp nhận tranh, chúng tôi định làm từng đợt. Đợt này thí điểm trước, sẽ kết thúc nhận tranh vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Sau đó kế hoạch dự kiến là sẽ giới thiệu tranh của các họa sĩ ở Nhà khách Chính phủ để tôn vinh họ.
Tiếp đó là sẽ chụp ảnh tranh với họa sĩ để in thành sách, có lời cảm ơn các họa sĩ đã tặng bức tranh đó. Cuối cùng là đóng gói tranh để trao cho các Đại sứ quán.
Người dân Hà Nội cũng đã được thấy một hình ảnh Đại sứ Phạm Sanh Châu quảng bá áo dài truyền thống trong dịp Tết vừa qua. Như vậy ngoài áo dài Việt, ngoài tranh Việt, hẳn ông còn ấp ủ rất nhiều ý tưởng quáng bá văn hóa Việt thông qua đường ngoại giao?
Trong năm APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam, tôi muốn quảng bá nhiều thứ. Trong đó đặc biệt là quà tặng. Trước mắt là việc hoàn thiện bộ trang phục APEC. Tất nhiên, còn nhiều ý tưởng khác nữa nhưng tất cả không nằm ngoài mục đích quảng bá văn hóa Việt Nam.
Đơn cử như trong chuyến công tác dự hội nghị lúa gạo vùng ĐBSCL tại An Giang vừa rồi, tôi nảy ra ý định muốn quảng bá cho hạt gạo tròn của An Giang - một loại gạo rất ngon, tương tự như gạo để cuốn sushi của người Nhật. Nhưng rất tiếc là việc xuất khẩu gạo của chúng ta vẫn đang gặp khó.
Thưa ông, làm thế nào để quảng bá một cách hiệu quả nhất hình ảnh của Việt Nam ra thế giới thông qua các kênh Đại sứ du lịch, Đại sứ văn hóa?
Quảng bá văn hóa, thu hẹp lại một chút là ngoại giao văn hóa là dùng yếu tố văn hóa để phục vụ cho các mục tiêu chính trị, tăng cường quan hệ giữa hai nước. Quảng bá văn hóa là chúng ta đề cập tới trên diện rộng. Còn ngoại giao văn hóa thì có trọng tâm, trọng điểm.
Chỗ này tôi muốn nói rõ thêm là Đại sứ du lịch khác Đại sứ văn hóa. Đại sứ văn hóa thì không có yếu tố thương mại, cũng không thể dùng hình ảnh của một người để quảng bá văn hóa. Còn lĩnh vực du lịch thì phải làm thế nào để thu hút du khách quay trở lại. Có nghĩa là đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa các dịch vụ du lịch.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!