Hơn 500 nghìn học sinh nghèo nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ

Cảnh Nhân 17/03/2017 11:06

“Tổng cục Dự trữ nhà nước đang triển khai thực hiện cấp gạo cho các địa phương để kịp thời hỗ trợ học sinh và dự kiến sẽ hoàn thành công tác này vào trước ngày 30/4/2017”. Đó là thông tin được Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước Phạm Phan Dũng cho biết trong cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về việc thực hiện nhiệm vụ cấp gạo hỗ trợ của Chính phủ cho gần 500 nghìn học sinh của 47 tỉnh, thành phố.

Ông Phạm Phan Dũng.

PV: Thưa ông, hỗ trợ gạo cho học sinh là một trong những chính sách mang lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa xã hội rất lớn, được các địa phương và nhân dân đánh giá cao. Ông có thể chia sẻ về kết quả xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh trong thời gian qua và nhất là trong năm học 2016-2017 này?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đồng ý với kế hoạch triển khai hỗ trợ gạo năm 2016 - 2017 của Bộ Tài chính, trong đó giao cho Bộ Tài chính thực hiện cấp gạo tạm ứng cho học sinh trong 2 tháng đầu học kỳ I năm học 2016-2017 và quyết định giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh các địa phương theo báo cáo, rà soát số lượng học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo theo quy định.

Theo đó, kết thúc học kỳ I năm học 2016-2017, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp, vận chuyển và bàn giao gần 36.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho gần 540.000 học sinh thuộc 47 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để đảm bảo cấp gạo kịp thời cho các địa phương hỗ trợ học sinh trong học kỳ II năm học 2016-2017 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp 29.215,179 tấn gạo cho 487.159 học sinh của 47 tỉnh, thành phố.

Hiện nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang gấp rút triển khai thực hiện cấp gạo cho các địa phương để kịp thời hỗ trợ học sinh và dự kiến sẽ hoàn thành công tác này vào trước ngày 30/4/2017.

Có thể nói, việc Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho học sinh ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bằng nguồn gạo Dự trữ Nhà nước đã góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, gia đình và nhà trường; góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ đi học, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục ở những vùng này.

Đồng thời cũng đã gián tiếp giải quyết được phần nào khó khăn cho một số địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư và phát triển kinh tế tại một số vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Xin ông cho biết một vài đánh giá về công tác xuất cấp, phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ?

- Việc Bộ Tài chính ra quyết định hỗ trợ gạo tạm ứng 2 tháng đầu học kỳ I kịp thời nên các em học sinh có gạo ăn ngay từ những ngày đầu khai giảng, qua đó giúp nhà trường, địa phương và gia đình học sinh giảm bớt khó khăn về lương thực, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh yên tâm đến trường.

Trong quá trình thực hiện giao, nhận gạo, các Cục Dự trữ Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành của địa phương có kế hoạch giao, nhận cụ thể. Qua đó công tác giao nhận gạo được thực hiện kịp thời, đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, theo đúng đối tượng quy định tại Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.

Thưa ông, để kịp thời đưa gạo hỗ trợ đến với gần 500 nghìn học sinh trong học kỳ II năm học 2016-2017, Tổng cục đã triển khai công việc này như thế nào?

- Căn cứ vào lượng kho gạo đang bố trí đều khắp trong cả nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao nhiệm vụ cho các Cục khu vực xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh thuộc địa bàn do đơn vị quản lý.

Trường hợp nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh của một số tỉnh như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên vượt lớn hơn so với lượng hàng tại chỗ, Tổng cục Dự trữ nhà nước sẽ có phương án điều động hàng từ khu vực lân cận để bảo đảm đủ số lượng gạo hỗ trợ kịp thời cho các em học sinh.

Có thể khẳng định rằng, gạo dự trữ quốc gia (DTQG) khi xuất cấp đều đảm bảo chất lượng theo quy định. Trước và trong quá trình xuất cấp, gạo DTQG đều được kiểm tra kỹ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Ở mỗi điểm giao nhận, các bên đều trực tiếp lấy mẫu gạo đánh giá chất lượng thông qua đánh giá cảm quan, kiểm tra thực tế các bao gạo giao nhận, trên cơ sở đó các đơn vị DTQG tiến hành lập biên bản giao nhận với địa phương. Chính vì vậy, qua các đợt xuất cấp, chất lượng gạo luôn được người dân và địa phương đánh giá cao.

Trong năm học 2016-2017, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban dân tộc và UBND các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo tại các địa phương để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp sai sót, sử dụng gạo không đúng mục đích.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cảnh Nhân