Lo ngại bệnh tay chân miệng

Giang Hương 17/03/2017 14:00

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, các trường hợp mắc bệnh xuất hiện rải rác tại 57 tỉnh, thành phố. Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, sau Tết là mùa bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam, nhất là trong các tháng 3 và tháng 5, các bậc phụ huynh phải hết sức đề phòng.

Bóng nước thường xuất hiện ở lòng bàn chân.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thế nhưng thời điểm chuyển mùa, bệnh thường có cơ hội lây lan mạnh. Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Virus gây bệnh tay chân miệng là virut EV71, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, vào đường ruột, từ đó đi vào hệ bạch huyết xâm nhập vào các cơ quan, trong đó có hệ thần kinh trung ương.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh tay chân miệng biểu hiện với các bóng nước có kích thước 2-10 mm, màu xám, hình bầu dục.

Bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng khiến trẻ đau, chảy nước miếng.

Khi nổi bóng nước, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước tự xẹp và tự khỏi sau 5-7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay bóng nước đã xẹp.

Đa số trường hợp bệnh tự khỏi, song nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71, một số trẻ có biến chứng tim mạch hô hấp, thần kinh rất nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não.

Nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Chị Trần Thị Mai, nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội) có con bị bệnh tay chân miệng đã chia sẻ: “Con trai tôi 3 tuổi, mấy hôm trước đi học về thấy tay cháu xuất hiện các mụn nước nhỏ ở các ngón tay, bàn tay, sau đó trong miệng cũng xuất hiện các vết đỏ như phỏng rộp. Đã đọc qua sách báo nên tôi biết đây là bệnh tay chân miệng. Ngoài việc đưa cháu đi khám để bác sĩ kê thuốc uống và thuốc bôi theo đúng phác đồ điều trị, khi về nhà tôi cho cháu súc miệng nước muối và rửa lưỡi ngày hai lần, tay chân cũng được rửa bằng xà phòng luôn giữ sạch sẽ.

“Cùng với uống thuốc và giữ vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng đầy đủ nên chỉ 3-4 ngày sau tình trạng bệnh của cháu đã đỡ và không phải ở lại bệnh viện để điều trị. Tôi rất mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm này để các bố mẹ cùng chăm sóc con mình” – chị Mai nói.

Theo các bác sĩ, trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Chủ động phòng bệnh

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang lan rộng tại nhiều địa phương, với số người mắc tăng cao, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo tới người dân các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh này.

Thực hiện các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi…

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Với trẻ nhỏ, người lớn cần không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Trước sự gia tăng số ca mắc bệnh tay - chân - miệng, nhiều trường học đã và đang tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh cho học sinh bằng cách sử dụng dung dịch cloramin để tẩy rửa lớp học, dụng cụ dạy học, đồ chơi, bếp ăn rồi đổ dung dịch đó xuống cống để diệt muỗi.

Theo các chuyên gia y tế, cho đến nay căn bệnh này vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh, bởi vậy các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý.

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần. Tất cả những người chưa từng bị bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Giang Hương