Philippines chỉ trích nghị quyết của Nghị viện châu Âu
Philippines đã lên tiếng chỉ trích Nghị viện châu Âu trong hôm 17/3 vì đã can thiệp vào vấn đề nội bộ của họ sau khi cơ quan này công bố một bản nghị quyết kêu gọi trả tự do cho một nhà phê bình cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Nguồn: ABS).
Giới lập pháp EU trong hôm 16/3 đã thông qua một nghị quyết lên án “các vụ giết người không qua xét xử” đang diễn ra ở Philippines và nêu quan ngại về sự an toàn của Thượng nghị sỹ Leila de Lima là người chỉ trích mạnh mẽ nhất Tổng thống Rodrigo Duterte - người đang mở cuộc chiến chống ma túy trong nước.
“Họ nên lo vấn đề của riêng mình”- Salvador Panelo, Cố vấn pháp lý của Tổng thống Philippines, nói. “Họ không thể ra lệnh cho Chính phủ Philippines phải làm gì hay can thiệp vào tiến trình pháp lý ở đất nước chúng tôi”.
Nghị quyết mà Nghị viện châu Âu đưa ra trước đó nói rằng họ ủng hộ cuộc chiến chống ma túy ở Philippines, nhưng nó phải nhằm vào gốc rễ chứ không phải những người bị nghiện. Nghị quyết kêu gọi Manila “ưu tiên” hơn vào cuộc chiến chống lại các mạng lưới buôn lậu và những ông trùm ma túy hơn là truy kích những người nghiện.
Người phát ngôn của ông Duterte là Ernesto Abella, cũng lên tiếng chỉ trích EU. Chủ tịch Thượng viện Philippines Aquilino Pimentel cũng cho rằng Nghị viện châu Âu đang cố gắng “quản lý” các công việc nội bộ của Philippines.
Bà De Lima, cựu Bộ trưởng Tư pháp Philippines, đã bị bắt giữ hồi tháng trước ngay tại văn phòng của bà tại Thượng viện sau khi bị cáo buộc đã nhận hối lộ từ những người bị kết án trong cuộc chiến chống ma túy. Bà nói rằng những cáo buộc này mang động cơ chính trị và nhằm dập tắt sự chỉ trích nhằm vào Tổng thống Duterte.
Bộ Ngoại giao Philippines trong hôm 17/3 cũng bác bỏ nghị quyết của Nghị viện châu Âu và nói rằng giới lập pháp châu Âu không có quyền được bình luận về hệ thống tư pháp của một nước có chủ quyền.
“Chính phủ Philippines yêu cầu cộng đồng quốc tế ngừng gây ảnh hưởng tới kết quả của vụ việc vốn thuộc thẩm quyền của các tòa án địa phương Philippines” – Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố.