Nhân rộng những mái ấm tình thương

Thanh Khiết 18/03/2017 09:15

Hội Mái ấm tình thương huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang được thành lập từ năm 2008, trên cơ sở hợp nhất từ các nhóm nhỏ trong tỉnh, họ là những người đa dạng về nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính, tôn giáo, thành phần xã hội nhưng lại có điểm chung là đầy tâm huyết, với tấm lòng thiện nguyện cùng lo cho người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, cần hỗ trợ về nhà ở.

Đầm ấm lễ bàn giao căn nhà đại đoàn kết thứ 1.500 của Hội.

Ban đầu, khi mới thành lập Hội chỉ có 80 người. Trong quá trình thực hiện công khai minh bạch rõ ràng các khoản thu, chi, đã tạo được niềm tin trong các nhà tài trợ, các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, số lượng hội viên ngày càng tăng thêm, đến nay đã lên đến 300 người.

Theo ông Nguyễn Văn Đẻo, Phó Chủ tịch Hội Mái ấm tình thương, tính từ ngày thành lập đến nay, Hội đã vận động được số tiền là 6.760.000.000 đồng, đổ được 1520 bộ cột, huy động 26.400 ngày công lao động; phối hợp cùng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương cấp 1500 bộ cột , xây dựng 1500 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo.

Điều đáng quý ở đây là cứ sáng chủ nhật hàng tuần, không ai bảo ai, hội viên của Hội lại tập trung tại trụ sở hội, phân công nhau để thực hiện các công đoạn đổ cột. Tất cả các hội viên không ai lấy bất cứ một khoản bồi dưỡng nào, ngoài việc được miễn phí ăn, uống từ nguồn vận động và hỗ trợ của anh Phạm Văn Hiền, Chủ tịch Hội Mái ấm tình thương của huyện.

Tham dự buổi lễ bàn giao căn nhà thứ 1.500 của Hội mái ấm tình thương huyện cho gia đình ông Trương Văn Lượm, ngụ tại ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, chúng tôi càng hiểu được tại sao hoạt động của Hội lại đạt được hiệu quả cao như vậy.

Ông Nguyễn Văn Đẻo, Phó Chủ tịch Hội Mái ấm tình thương của huyện chia sẻ, để có được những kết quả trên, là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong công tác an sinh xã hội và được sự đồng thuận cao, đóng góp tích cực của các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. Đặc biệt là tình người của các hội viên, trên tinh thần thiện nguyện hết lòng vì người nghèo.

Đây là mô hình mang đậm tính nhân văn, cần được duy trì, phát huy và nhân rộng trong thời gian tới để góp phần phát huy bản sắc văn hóa, dân tộc, nét đẹp ngàn đời của người Việt Nam; rút ngắn thời gian thực hiện việc xóa nhà tre lá, dột nát trên phạm vi toàn tỉnh.

Thanh Khiết