Thu hút FDI: Tỉnh táo và chọn lọc
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quá mở cửa để thu hút nguồn vốn này có thể gây ra tác dụng ngược, nếu như các doanh nghiệp FDI lợi dụng điều đó để đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Điều này đã từng xảy ra. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu không thận trọng, việc thu hút FDI có thể biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghệ.
Có đến 95% doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ thấp và trung bình khi vào Việt Nam.
Vốn FDI vẫn chảy vào trong nước
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết hai tháng đầu năm 2017, cả nước có 22.904 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 297 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 156,35 tỷ USD, bằng 52,6% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Tính đến hết tháng 2/2017 đã có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 50,98 tỷ USD (chiếm 16% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 42,49 tỷ USD (chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), Britishvirgin Island, Hồng Kông (Trung Quốc).
Không kể dầu khí ngoài khơi, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã rót vào 62 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP HCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 45,4 tỷ USD (chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bình Dương với 28,1 tỷ USD (chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư), Bà Rịa - Vũng Tàu với 27,1 tỷ USD (chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư), Hà Nội với 26 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư).
Không thể phủ nhận, thu hút đầu tư nước ngoài đóng góp một phần vô cùng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, việc quá mở cửa để thu hút FDI cũng đang dẫn đến những hệ lụy về môi trường mà dư luận xã hội đã và đang chứng kiến trong thời gian vừa qua.
Một trong những ví dụ điển hình cho sự quá ưu ái các DN FDI dẫn đến việc phải đánh đổi môi trường khiến dư luận xã hội chưa thể nguôi ngoai chính là trường hợp của nhà máy Formosa (Hà Tĩnh).
Vụ xả thải hóa chất độc hại của Công ty này khiến vùng biển 4 tỉnh miền Trung ô nhiễm nghiêm trọng chắc chắn sẽ còn đeo đẳng người dân Việt Nam nhiều năm sau nữa. Và có thể khẳng định, đây chính là sự kiện ô nhiễm môi trường biển lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước tới nay.
Chỉ 5% DN FDI có công nghệ cao
Formosa chỉ là một trong những trường hợp minh chứng cho việc quá ưu ái các DN nước ngoài trong việc thu hút đầu tư của các địa phương hiện nay. Trước đó, Vedan cũng đã từng khiến dư luận nổi sóng vì xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. Không chỉ mang lại những bất cập lớn về môi trường, các hành vi chuyển giá của DN FDI cũng mang lại những “đòn đau” cho nền kinh tế Việt Nam.
Hàng loạt những hệ lụy đã và đang xảy đến đối với môi trường sống của Việt Nam, giới chuyên gia kinh tế còn cảnh báo, việc quá dễ dãi thu hút đầu tư nước ngoài có thể biến Việt Nam trở thành bãi rác thải về công nghệ.
Sở dĩ nhận định như vậy, là bởi, theo giới chuyên gia, các nhà đầu tư nước rất ngoài “dè dặt” trong việc bỏ vốn vào các lĩnh vực công nghệ cao. Chính phủ Việt Nam luôn kỳ vọng thu hút FDI một phần để được DN nước ngoài chuyển giao kỹ thuật hiện đại cho Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 5% DN FDI có công nghệ cao, 80% công nghệ trung bình; còn lại chủ yếu là công nghệ thấp. Con số này cũng đồng nghĩa với thực tế là, các DN trong nước hầu như không được thừa hưởng gì nhiều từ về công nghệ từ phía các DN FDI.
Song, điều đáng quan ngại hơn nằm ở chỗ, công nghệ thấp không tạo được lực đẩy cho mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa của nước nhà, mặt khác còn gây ra những hệ lụy về môi trường, nhất là các ngành công nghệ cổ điển tốn nguyên nhiên vật liệu và xả thải nhiều.
Đặc biệt gần đây, nền kinh tế còn chứng kiến sự thâm nhập ngày càng nhiều các DN đến từ Trung Quốc. Điều này càng dấy lên trong dư luận những lo ngại về nguy cơ các DN đến từ nước này sẽ chỉ mang vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các DN có vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta không nên đổ lỗi hoàn toàn cho các DN FDI.
Vấn đề quan trọng hiện nay là cơ quan tiếp nhận cần nhà đầu tư cần phải tỉnh táo, phải có sự chọn lọc. “Nếu nhà đầu tư Trung Quốc hay bất kỳ nhà đầu tư nước nào mang đến Việt Nam công nghệ cao thì chúng ta vẫn hoan nghênh. Còn nếu mang vào công nghệ thấp thì chắc chắn sẽ chặn cửa và loại bỏ”- ông Toàn nêu quan điểm và cho rằng: “Đây không phải là mối lo, mà yếu tố quyết định nằm ở chính nhà quản lý. Nếu thu hút có sự kiểm soát và có chọn lọc thì sẽ tránh được nhiều hệ lụy”.
Theo nhận định của giới chuyên gia, để vươn tới một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam cần có thời gian và quan trọng là phải làm tốt công nghiệp phụ trợ. Cụ thể, theo ông Hong Sun- Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham Việt Nam), Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ và có chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý.
Trao đổi với báo giới, TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trong chiến lược thu hút FDI sắp tới, thay vì đưa ra các ưu đãi, chúng ta nên tập trung giải quyết các vấn đề của môi trường đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cơ bản như hạ tầng, nguồn nhân lực, sự sẵn sàng của đội ngũ DN Việt Nam để tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản trị, chất lượng nhân lực từ khu vực FDI.