Giám sát đi cùng chế tài
Giám sát của Mặt trận là giám sát mang tính nhân dân, tính xã hội, không mang tính quyền lực nhà nước và đặc biệt không có chế tài. Làm thế nào để giám sát của Mặt trận đạt được hiệu quả? Bài toán này chỉ có một lời giải duy nhất là phải gắn giám sát của Mặt trận với chế tài, trách nhiệm của nhà nước.
Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội cho thấy điều đó.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
dẫn đầu Đoàn công tác giám sát Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 theo kiến nghị của nhân dân (Ảnh: Quốc Trung)
Nghị quyết liên tịch giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính phủ và Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những nghị quyết thường niên, lâu nay vẫn thực hiện hiệu quả trong nhiều nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội và an ninh- quốc phòng quan trọng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, Nghị quyết liên tịch ba bên giữa Mặt trận- Chính phủ và Quốc hội về một nhiệm vụ cụ thể là các hình thức giám sát và phản biện xã hội thì lần đầu tiên mới có và thể hiện sự chủ động của Mặt trận khi chuẩn bị xây dựng dự thảo này. Hiện Dự thảo gồm 5 chương, 24 điều, trong đó đã thiết kế 3 điều trong Chương IV về bảo đảm hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhằm làm rõ hơn về trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể có thẩm quyền, liên quan.
Theo ông Nguyễn Túc- Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, từ lâu, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận thấy, giám sát của MTTQ Việt Nam là giám sát không chế tài, mặc dù Luật MTTQ Việt Nam đã có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, của cơ quan, tổ chức chủ trì dự thảo văn bản được phản biện xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan song Luật chưa rõ về cơ chế thực hiện.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong đợi, kiến nghị của MTTQ Việt Nam nhiều khi là về một phía, rơi vào tình trạng: “nói nhưng không ai nghe” trong khi đó sự phản hồi chưa có chuyển biến tích cực, rất khó xác định trách nhiệm.
“Giám sát và phản biện của Mặt trận mà chỉ kết hợp giữa giám sát mang tính nhân dân gắn với tuyên truyền thuyết phục thì không ổn. Vì trong cơ chế hiện nay, muốn tạo sự đồng thuận, ngoài tuyên truyền vận động phải có cơ chế để những tổ chức, cá nhân- chủ thể mà Mặt trận kiến nghị không chấp hành thì phải có chế tài buộc họ phải thực hiện”- ông Nguyễn Túc khẳng định.
Trên thực tế, với tinh thần giám sát của Mặt trận vì lợi ích của nhân dân, vì quyền con người, như giám sát bảo hiểm cho người lao động, giám sát về điều kiện hoạt động của cơ sở y tế tư nhân hay giám sát an toàn thực phẩm, môi trường trong đó có những vấn đề như cát tặc, nhà máy nhiệt điện…từ năm 2013 đến nay, ở cấp Trung ương, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhiều tổ chức thành viên khác của MTTQ Việt Nam đã chủ trì hoặc phối hợp triển khai các hoạt động giám sát trên một cách hiệu quả.
Trong khi đó, ở tất cả 63 tỉnh thành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên đã tiến hành giám sát ở những nội dung, lĩnh vực mà địa phương quan tâm, bức xúc.
Giám sát phản biện xã hội của Mặt trận được thực hiện dựa trên 3 cơ sở: Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Nhưng rõ ràng, giám sát và phản biện của Mặt trận vẫn đang gặp những khó khăn, hạn chế.
Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, mục đích ban hành Nghị quyết là để cụ thể hóa Điều 27 và Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam.
“Dự thảo Nghị quyết liên tịch này phải kết nối được giữa giám sát mang tính nhân dân, tính xã hội của Mặt trận với giám sát mang tính quyền lực của cơ quan nhà nước. Đồng thời, Nghị quyết liên tịch này phải thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong phối hợp, hỗ trợ của chính quyền các cấp bởi Mặt trận giám sát nhưng kết quả kiến nghị giám sát là do cơ quan nhà nước các cấp xử lý, giải quyết, có nghĩa là việc giải quyết kiến nghị giám sát của Mặt trận phải gắn với chế tài, trách nhiệm của nhà nước thì mới có tác dụng trong xã hội”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Giám sát là chức năng của Mặt trận, gồm các tổ chức thành viên với mạng lưới rộng khắp ở cơ sở, giám sát nhân dân được phủ rộng, đa dạng; ngoài giám sát theo kế hoạch, có thể giám sát kịp thời, tại chỗ đối với những vấn đề, vụ việc bức xúc, phát sinh ở địa phương. Giám sát cũng là chức năng của Quốc hội và HĐND trong khi đó Chính phủ cũng kiểm tra, thanh tra. Cho nên, nghị quyết liên tịch chính là một cam kết chính trị để phát huy hơn nữa sức mạnh cộng sinh của cả ba cơ quan, tổ chức này trong nhiệm vụ giám sát, nhất là với tổ chức Mặt trận. Bởi có những việc, Mặt trận giám sát, Mặt trận kiến nghị, chính quyền địa phương có thể xử lý mà không phải đẩy việc lên trên.
Việc ban hành công văn 386 của UBND TP Hà Nội mới đây là một ví dụ điển hình. UBND TP Hà Nội ban hành công văn này để triển khai chấn chỉnh một việc cụ thể từ kết luận của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc cần phải xử lý quyết liệt nạn “cát tặc” là một minh chứng cụ thể cho việc chính quyền các cấp ngày càng lắng nghe ý kiến phản ánh của Mặt trận cũng là lắng nghe ý kiến của nhân dân, từ đó có những hành động cụ thể để hiện thực hoá những mong mỏi ấy.
Hay như mới đây, người đứng đầu hai bộ là Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tiến hành ký kết “Chương trình phối hợp công tác về hoạt động bảo vệ môi trường”, chính là một bước để hiện thực hóa những mong mỏi của cử tri xã Dân Thành, Đông Hải và Trường Long Hòa của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh trong vấn đề đảm bảo môi trường của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 từ kiến nghị của người đứng đầu Mặt trận. Những điều này đã cho thấy quyết tâm chính trị của Hà Nội, của một số bộ, ngành trong việc lắng nghe Mặt trận để giải quyết những bức xúc của nhân dân.
Tiếng nói trong Mặt trận là tiếng lòng của nhân dân. Bởi vậy, lắng nghe Mặt trận tức là lắng nghe tiếng nói của nhân dân để từ đó có sự chuyển động trong hành động của các bộ, ngành, chính quyền các cấp đang là một dấu ấn tốt đẹp ngay từ những ngày đầu năm 2017.
Điều này có thể thấy rõ trong các hội nghị tổng kết quy chế phối hợp công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với Văn phòng Chính phủ, giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Tại các hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội đều đánh giá cao vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong sự phát triển của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Mặt trận là một kênh quan trọng để Chính phủ hiểu được nguyện vọng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất từ nhân dân”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Không ai gần dân hơn các thành viên của MTTQ Việt Nam vì chỉ khi thực sự dựa vào dân, dân tin thì mới thấu hiểu được những gì dân nói. Chính vì vậy Mặt trận luôn là nơi nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng, “vai trò của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật rất quan trọng vì đây là tiếng nói của dân, tâm tư tình cảm nguyện vọng của dân”.
Với sự ghi nhận đặc biệt này, tin rằng, Dự thảo Nghị quyết liên tịch ba bên giữa Mặt trận, Chính phủ và Quốc hội trong giám sát và phản biện xã hội sớm được ban hành và đi vào cuộc sống để hiện thực hóa những mong mỏi nhân dân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị lần thứ 6 UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII về việc Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để góp phần quản lý một xã hội công khai, minh bạch.