TS Khuất Thu Hồng: Đừng im lặng!

Thu Hương (ghi) 18/03/2017 08:55

“ Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi lại nhận thức và suy nghĩ của mình, vượt qua được chính mình để lên tiếng và hành động” – TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội chia sẻ suy nghĩ trước hàng loạt vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra thời gian qua.

TS Khuất Thu Hồng.

PV: Thưa bà, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc xâm hại trẻ em, trong đó có cả ở trường học khiến dư luận không khỏi phẫn nộ?

TS Khuất Thu Hồng: Khi đọc những tin này, phản xạ đầu tiên của tôi là chối bỏ, vì không chịu nổi. Tôi phải lướt sang một tin khác, nhưng chỉ vài giây sau tôi lẩy bẩy lướt chuột để quay lại. Tôi gần như nghẹt thở, trái tim đau thắt khi đọc câu trăng trối của một bé gái “cũng vì con mà gia đình phải nhục nhã với hàng xóm…”.

Một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý dù gia đình đã báo cáo. Tại sao một đứa trẻ phải chết để bảo vệ danh dự của mình và gia đình sau khi bị xâm hại? Tại sao những người có trách nhiệm đã không làm gì dù gia đình cháu bé đã yêu cầu được giúp đỡ? Vậy ai mới thực sự là người phải thấy nhục nhã?

Mấy hôm nay chúng ta đang ở trong bầu không khí nóng vì có liên tiếp các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra. Tại sao nó lại nóng? Nóng vì nó chưa được giải quyết, vì đi vào bế tắc. Như vụ việc ở Vũng Tàu cho đến bây giờ có dấu hiệu bị chìm xuồng. Vụ việc ở Hoàng Mai, rất may gia đình thu thập được bằng chứng và chủ động tìm cách tố cáo và giải quyết vấn đề nhưng quá trình diễn ra rất chậm.

Nguyên nhân bế tắc, theo tôi là vì sự im lặng của tất cả các bên.

Đấy có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ lạm dụng trẻ em, bạo lực ngày càng gia tăng, thậm chí là vụ việc sau nghiêm trọng hơn vụ trước?

- Đúng vậy. Rất nhiều người trong khi thương hại hoặc thông cảm với nạn nhân nhưng đồng thời lại nghi ngờ hoặc chê trách họ vì đã gây sự chú ý hoặc dễ dãi hay dại dột. Họ nghĩ rằng chỉ những người không đứng đắn, có vấn đề mới trở thành nạn nhân của những người xâm hại tình dục. Những giá trị cổ hủ, quan niệm sai lầm về nam tính/nữ tính cùng với định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này.

Vì sao nạn nhân và gia đình lại im lặng? Họ nói lên sự việc thì được điều gì? Cuộc sống của họ sẽ bị thay đổi hoàn toàn. Có thể nạn nhân bị xâm hại sẽ không có tương lai và gia đình phải thay đổi sinh kế của mình, chuyển đi nơi khác để không ai nhớ đến câu chuyện của họ nữa…

Thứ hai, luật pháp của chúng ta còn thiếu và chưa đủ sức mạnh để giải quyết được vấn đề câu chuyện dâm ô. Trong khi đó luật pháp của chúng ta đòi hỏi phải có bằng chứng trên thân thể của đứa trẻ sau bao nhiêu thời gian xảy ra sự việc, nhất là khi đối tượng dùng tay, dùng miệng… để xâm hại thì lấy đâu ra bằng chứng?

Với trẻ em thì làm sao có thể tự bảo vệ mình? Trẻ em là người có lỗi ? Hay bố mẹ là người có lỗi khi đã không canh chừng con cái mình 24/24h? Nếu chúng ta tiếp tục văn hóa đổ lỗi và im lặng thì không thể giải quyết câu chuyện này.

Thưa bà, để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị bạo lực, xâm hại thì cần có những biện pháp gì?

- Xin hãy đừng đổ lỗi và đừng im lặng để không có thêm những đứa trẻ phải quyên sinh như em bé ở Cà Mau. Tôi mong rằng cái chết của em sẽ thức tỉnh toàn xã hội để chúng ta chấm dứt sự im lặng trước tội ác. Tôi tin rằng nếu toàn bộ cộng đồng chúng ta lên tiếng, nếu có sự gây sức ép thì cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em

Ngày 17-3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đề xuất, tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GD-ĐT chỉ đạo tăng cường giáo dục, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp trẻ em, học sinh nâng cao năng lực nhận biết, phòng tránh bị xâm hại.

M.Thảo

Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA): Cảnh sát đồng thời là bác sĩ tâm lý

Tôi từng được tham dự một số phiên tòa án gia đình ở nước ngoài và tòa án dành cho trẻ em. Đối với trẻ em, khi tôi đến Thái Lan tham dự phiên tòa xử có 1 em bé bị xâm hại. Người ta đã làm như thế này. Thứ nhất là có phòng riêng có kính nhìn được 1 mặt, có camera để bên kia nhìn màn hình. Trong phòng đó có cảnh sát đồng thời là bác sĩ tâm lý hỏi chuyện em bé dưới sự giám hộ của mẹ bằng búp bê, gấu bông. Các em có thể bị như thế này, đã bị sờ như thế này thì các em sẽ chỉ vào những con gấu bông, thì rất là tốt.

Tôi cũng đi tham dự những vụ xử về bạo lực gia đình ở Mỹ. Nạn nhân khi bị đánh người ta không phải trả lời nhiều mà luôn có luật sư. Và người gây ra câu chuyện bạo hành thì cũng có luật sư bên cạnh. Như vậy sự an toàn của cả 2 bên đảm bảo. Tôi cho rằng cần có hệ thống xử các vụ án liên quan đến trẻ em theo một cách riêng, phải có những người được đào tạo, có kỹ năng để làm việc với trẻ em.

Lam Nhi

Thu Hương (ghi)