Hội thảo văn hoá và con người Ninh Bình: Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Sáng ngày 17/3, Tỉnh uỷ Ninh Bình và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo “Văn hoá và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững” với sự tham gia của 120 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hoá...
Các nhà khoa học đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết đối với Ninh Bình.
Mục tiêu của hội thảo đặt ra là nhằm nghiên cứu, thảo luận, đánh giá toàn diện và sâu sắc về nguồn lực văn hóa của Ninh Bình. Trên cơ sở đó đề xuất các mô hình, giải pháp bảo tồn, phát huy và nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững ở địa phương.
Các tham luận đưa ra tại hội thảo đều khẳng định: Vùng đất cố đô là nơi giao thoa, kết nối của nhiều tiểu vùng văn hóa nên trong nội tại nó sở hữu nguồn lực văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc. Toàn tỉnh hiện có 79 di tích cấp quốc gia, 235 di tích cấp tỉnh. Riêng di tích Cố đô Hoa Lư và quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO vinh danh “Di sản Văn hóa, thiên nhiên thế giới”.
Với những nguồn lực văn hóa to lớn như vậy, nhân dân cả nước từ nhiều đời đã hướng về đất Hoa Lư - Tràng An như hướng về cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Vùng đất này cũng rất nổi tiếng với các danh thắng thuộc hàng đệ nhất trời Nam, với ngôi nhà thờ đá Phát Diệm vô cùng độc đáo, các khu bảo tồn sinh thái quốc gia như Cúc Phương, Vân Long...
Không phải ngẫu nhiên nơi đây được bậc đế vương chọn làm nơi đặt kinh đô nước Đại Cồ Việt trong những năm đầu kỷ nguyên độc lập và thống nhất. Đó là điểm kết nối giữa miền xuôi, vùng biển với vùng rừng núi. Những tinh tuý của đất trời đã tạo nên khí chất “địa linh” của con người Tràng An lịch thiệp.
33 tham luận với 9 tham luận được trình bày tại hội thảo cùng nhiều ý kiến phát biểu đã khái quát những nét văn hoá đa dạng trong kho tàng di sản, kho tàng tài nguyên vô cùng phong phú để hướng tới việc khai thác, phát triển những giá trị vô giá và vô tận đó. Nhìn về thực tại, sau 25 năm tái lập tỉnh, tư duy lãnh đạo của Ninh Bình có nhiều thay đổi, không còn coi điều kiện tự nhiên như là vật liệu xây dựng nữa. Nguồn tài nguyên đó trở thành đối tượng để khai thác bởi những lĩnh vực kinh tế mới, tạo ra sự phát triển du lịch bền vững, hướng tới dịch vụ thông minh.
Bên cạnh đó, các tham luận cũng đề cập đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị, chất lượng gắn với việc bảo vệ môi trường. GS.TSKH Vũ Minh Giang - PCT Hội đồng di sản quốc gia - Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Đại học Quốc gia Hà Nội khái quát: Việc khai thác quần thể danh thắng Tràng An đang tiệm cận đến tuy duy phát triển bền vững.
Tuy nhiên, tại hội thảo có nhiều gợi ý đưa ra rất đáng suy nghĩ, làm sao đó để khai thác được mọi nguồn lực. Điều này đòi hỏi cần có sự liên kết giữa các vùng nhằm tạo ra chuỗi giá trị. Ninh Bình cần phải mở rộng tuy duy quốc tế ở giai đoạn phát triển tiếp theo, trong việc khai thác nguồn tài nguyên con người cũng như văn hoá. Bởi yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất. Sự phát triển bền vững dựa trên nền tảng con người, văn hoá chứ không phải những tài nguyên có sẵn.
Phát biểu bế mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình đánh giá: Sau một buổi làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết, hội thảo khoa học “Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững” đã hoàn thành tốt các nội dung, chương trình đề ra. Hội thảo đã tập hợp được trí tuệ, tâm sức của hơn 120 đại biểu về dự với 9 tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp đầy trách nhiệm đã bổ sung nhiều thông tin, tư liệu quý báu.
Trên cơ sở đó, bà Thanh yêu cầu: Tỉnh cần xem xét đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan quá trình phát triển vừa qua. Có một tầm nhìn, chiến lược phát triển đồng bộ, lâu dài từ lãnh đạo cao nhất tới tận mỗi người dân để đưa Ninh Bình vươn lên tầm vóc mới.
Phát triển văn hóa thực sự trở thành một trong những nguồn xung lực nhưng phải đảm bảo sự vẹn nguyên giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học… Cần Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh: Du lịch, nông nghiệp, biển theo hướng thông minh, công nghệ cao và bền vững; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế, hạ tầng giao thông.
“Cần có chính sách đào tạo cụ thể và rõ ràng để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có trình độ và làm việc chuyên nghiệp phù hợp với các tiêu chuẩn quy định chung. Kêu gọi nguồn nhân lực từ các nơi khác thậm chí từ nước ngoài về làm việc”- bà Thanh nhấn mạnh.