Lễ phát động hiến tặng hiện vật Bảo tàng Báo chí Việt Nam lần thứ 6
Chiều 18/3 tại hội trường tòa nhà E2 (Dương Đình Nghệ - Cầu giấy – Hà Nội) đã diễn ra buổi Lễ phát động hiến tặng hiện vật Bảo tàng Báo chí Việt Nam lần thứ 6 dưới sự chủ trì của Hội Nhà báo Việt Nam.
Lễ phát động hiến tặng hiện vật Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh Phạm Quý.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói: “Hôm nay, trong không khí tưng bừng và xúc động của Hội báo Toàn quốc 2017, chúng tôi rất cảm kích trước sự có mặt của đại diện lãnh đạo các cơ quan đơn vị; các nhà báo tiêu biểu cho các thế hệ … tại nhiều vùng trên cả nước.
Thay mặt cho lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, tôi nhiệt liệt cảm ơn toàn thể các nhà báo, gia đình và thân nhân nhà báo; các Hội nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí; các nhà sưu tầm đã tích cực ủng hô, tin cậy hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam những hiện vật gắn bó với hoạt động của mình, mang dấu ấn lịch sử và có ý nghĩa giáo dục; giúp cho việc trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam tái hiện được lịch sử vẻ vang của báo chí nước nhà – một nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ. Tôi đề nghị các hội địa phương, các cơ quan báo chí tiếp tục coi đây là một nhiệm vụ chính trị, một hoạt động quan trọng và thường xuyên của mình”.
Với phương châm “Lịch sử báo chí Việt Nam là một lịch sử hết sức vẻ vang, cần được lưu giữ mãi mãi cho đời sau”, công việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam là tâm huyết của nhiều nhiệm kỳ BCH Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trong bối cảnh đó, ngày 21/8/2014, Đề án Bảo tàng Báo chí Việt nam được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt và Bảo tàng Báo chí Việt Nam được bổ sung vào hệ thống bảo tàng quốc gia. Ngày 10/3, sau khi Bộ VHTT & DL có công văn xác nhận Bảo tàng Báo chí Việt Nam đủ tiêu chuẩn thành lập theo luật định, cùng với đó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cũng đã ký Tờ trình và gửi hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ra quyết định thành lập Bảo tàng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Bảo tàng Báo chí Việt Nam, hơn hai năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã nỗ lực sưu tầm, triển khai 5 cuộc phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tại Hà Nội và TP HCM; Miền Trung và Tây Nguyên… Tổng hiện vật, tài liệu đã thu thập được tính cho tới thời điểm này đã xấp xỉ 1,3 vạn.
* Cùng ngày, cũng trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu “Báo chí truyền thông với những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội”.
Tại buổi giao lưu, ba vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua là y tế, giáo dục, môi trường, đã được các đại biểu đưa ra phân tích, trao đổi, thảo luận nhằm khẳng định vai trò của báo chí trong việc phát hiện, phản ánh kịp thời nhiều góc khuất của cuộc sống, giúp các cơ quan quản lý nhà nước từng bước làm rõ và giải quyết các vụ việc.
Từ một số vụ việc cụ thể diễn ra gần đây như: ngộ độc rượu, ô nhiễm môi trường nước do xả thải, xâm hại tình dục trẻ em..., công chúng đánh giá cao hoạt động của các cơ quan báo chí, các nhà báo. Có thể thấy, các nhà báo luôn ở tuyến đầu, phản ánh hết sức mạnh mẽ và kịp thời nhiều vấn đề của xã hội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết, mang lại niềm tin cho xã hội.
Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về những vụ việc được báo chí lên tiếng nhưng các cơ quan chức năng chưa vào cuộc hoặc còn chậm trễ trong việc xử lý, gây bức xúc trong dư luận. Từ đó, các đại biểu mong muốn các bộ, ngành khi nắm bắt những thông tin liên quan đến lĩnh vực của mình được phản ánh trên báo chí cần có phản ứng nhanh nhạy hơn, khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ cũng như tìm giải pháp khắc phục, tránh gây hoang mang trong nhân dân.
Tuy vậy, theo ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Vietnamplus cho biết một trong những khó khăn lớn của báo chí hiện nay là doanh thu sụt giảm, nên phải tìm mọi cách “câu khách” để lấy quảng cáo. Từ đó dẫn đến nhiều thông tin sai lệch, thiếu quy trình thẩm định chính xác. Thậm chí có những thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội cũng được nhiều tờ báo đăng lại. Vì thế, báo chí phải có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay là giữ niềm tin của độc giả.
Bên cạnh đó, đại diện một số doanh nghiệp và công chúng mong muốn, trong thời gian tới, ngoài việc phản ánh những vấn đề tiêu cực, những mảng tối, báo chí cần tăng cường thông tin về những mảng sáng, những gương người tốt, việc tốt trong cuộc sống.
Điển hình như việc tuyên truyền về vấn đề an toàn thực phẩm, báo chí tập trung thông tin nhiều về việc phát hiện những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, kém chất lượng nhưng lại ít cung cấp cho công chúng thông tin về những điểm cung cấp thực phẩm sạch, an toàn; hướng dẫn người dân cách thức lựa chọn thực phẩm; những mô hình tốt trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm…