Vĩnh Long: Vẫn còn tình trạng khai thác đất mặt ruộng
Ngày 17/3, theo quán sát của phóng viên dọc quốc lộ 53 tại khu vực huyện Tam Bình, Vĩnh Long tình trạng khai thác đất mặt ruộng vẫn diễn ra ở một số xã thuộc huyện này.
Ngày 17/3 phóng viên ghi nhận tình trạng khai thác đất mặt ruộng
tại ấp Thạnh Trị, xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình.
Cụ thể, tại ấp Thạnh Trí, xã Hoà Thạnh, huyện Tam Bình vẫn có nhiều nơi người dân khai thác đất mặt ruộng chưa rõ mục đích để làm gì. Có khoảng 3 đến 4 chiếc xe tải khoảng 2 đến 4 tấn liên tục chở đất từ xe cuốc móc ở mặt ruộng chở đi nơi khác.
Theo một số người dân ở đây cho biết, tình trạng người dân lấy đất mặt ruộng chở đi nơi khác khoảng 10 ngày gần đây nhiều, có nơi lấy đất để đắp nền nhà hay san lấp mặt bằng.
Tuy nhiên theo như người dân cho biết, nhiều nhất vẫn là khai thác đất mặt ruộng để bán cho các nơi làm gạch, vì đất mặt ruộng rất dẻo phù hợp với việc làm gạch.
Điều ngạc nhiên là người dân khai thác hay bán đất mặt ruộng công khai vậy nhưng không thấy chính quyền địa phương nhắc nhở gì. Có những khu vực ruộng nằm trong cánh đồng mẫu lớn vẫn bị khai thác đất mặt ruộng cho mục đích khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khai thác đất mặt ruộng sẽ không tốt cho việc trồng lúa, năng suất lúa sẽ giảm từ 20-40% khi bị mất đi tầng mặt của đất. Nhiều người dân chủ quan cho rằng, khai thác lớp đất này rồi bồi bổ, bón thêm phân vô cơ với lượng cao sẽ sớm hồi phục. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng phải mất 5 đến 6 năm sau mới có thể phục hồi lại được năng suất lợi nhuận như hiện hữu.
Ngoài ra các nhà khoa học cũng khuyến cáo, nếu khai thác đất mặt ruộng quá đà, ngành chức năng không kiểm soát bề mặt ruộng sẽ bị lồi, lõm, đất dễ bị lún không thể cơ giới hóa. Đó là chưa kể những nơi bị khai thác quá sâu có thể làm phèn trào lên, ảnh hưởng đến sản xuất hoặc không thể trồng lúa được.
Thậm chí khu vực thực hiện cánh đồng mẫu cũng bị khai thác.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng khai thác đất mặt ruộng trong tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Vĩnh Long thông tin: Thường vào các tháng mùa khô, tình hình khai thác lớp đất mặt ruộng vẫn diễn ra ở một số nơi trong tỉnh. Tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay việc khai thác lớp đất mặt ruộng ít dần, chỉ diễn ra tại một số xã thuộc huyện Tam Bình.
Theo ông Đấu, ngành đã kiểm tra một số cá nhân khai thác đất tại huyện Tam Bình nhằm mục đích hạ độ cao gò đất cho bằng với mặt ruộng hiện hữu thuận tiện trong quá trình canh tác và có sự đồng ý của UBND huyện Tam Bình. Tuy nhiên, để tránh trường hợp cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng việc khai thác đất gò sang khai thác lớp đất mặt ruộng lúa, Sở TN&MT đã yêu cầu các cơ quan chức năng huyện Tam Bình cũng như các địa phương khác giám sát chặt chẽ việc này.
Ông Nguyễn Văn Đấu, cho biết them, nhằm quản lý chặt tình trạng khai thác lớp đất mặt ruộng lúa để làm vật liệu sản xuất gạch hay san lấp mặt bằng. Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở TN&MT đã chỉ đạo cho Phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý những cá nhân, doanh nghiệp khai thác lớp đất mặt khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Có nơi mặt đất được đào suống rất sâu.
Mặc dù ngành chức năng địa phương cho rằng tình trạng khai thác đất mặt ruộng chỉ nhằm mục đích hạ độ cao gò đất cho bằng với mặt ruộng, nhưng theo quan sát của phóng viên tại ấp Thạnh Trí, xã Hoà Thạnh huyện Tam Bình (trong hình) thì mặt ruộng ở nơi đang được khai thác không cao, thậm chí còn thấp hơn so với một số ruộng khác ở xung quanh.
Đề nghị ngành chức năng của tỉnh cần kiểm soát chặt hơn việc khai thác và sử dụng không đúng mục đích đất mặt ruộng…