Mỹ-Trung bỏ qua khác biệt, tìm kiếm hợp tác song phương
Với những lời nồng thắm từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hôm 19/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kết thúc chuyến công du châu Á đầu tiên của ông kể từ sau khi nhậm chức bằng một thỏa thuận sẽ hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, tạm thời tránh các vấn đề gai góc hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Nguồn: SCMP).
Trước đó, Trung Quốc đã liên tiếp bị chính quyền Washington thúc giục phải nỗ lực hơn trong việc kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Bắc Kinh cũng tỏ ra không hài lòng với quyết định của Mỹ lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Ngoài ra Bắc Kinh cũng nghi ngại sâu sắc về các dự định của Mỹ đối với Đài Loan, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cho hay đang đưa ra một gói vũ khí lớn mới đối với hòn đảo này.
Tuy nhiên, trong cuộc họp tại Bắc Kinh vừa qua, các vấn đề gai góc trên đã không được đề cập tới. Chủ tịch Trung Quốc nói rằng ông Tillerson đã rất nỗ lực nhằm đạt được một quá trình chuyển giao suôn sẻ trong một kỷ nguyên mới của các mối quan hệ.
“Các bạn nói rằng mối quan hệ Mỹ-Trung chỉ có thể là thân thiện. Tôi rất quý trọng điều này” – ông Tập nói.
Ông Tập cũng cho hay đã từng vài lần liên lạc với Tổng thống Trump bằng điện thoại và tin nhắn. “Cả hai chúng tôi đều tin rằng mối quan hệ hợp tác Mỹ-Trung sẽ là con đường mà chúng tôi hướng tới. Chúng tôi đều hy vọng một kỷ nguyên mới với sự phát triển” - ông Tập nói thêm.
“Các lợi ích chung của Trung Quốc và Mỹ vượt xa những khác biệt, và hợp tác là lựa chọn duy nhất cho cả hai bên” – ông Tập nói trong một tuyên bố được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói rằng Tổng thống Trump rất mong chờ cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau với Trung Quốc và cơ hội tới thăm nước này trong tương lai. Ông nói rằng Tổng thống Trump đã “đánh giá rất cao giá trị của các cuộc nói chuyện diễn ra gần đây” giữa lãnh đạo hai nước.
“Chúng tôi biết rằng, thông qua các cuộc đối thoại, chúng tôi sẽ đạt được sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn, từ đó hướng tới tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác trong tương lai” – ông Tillerson nói.
Tính đến thời điểm này thì Tổng thống Trump vẫn được xem là một đối tác khó lường đối với Trung Quốc, sau khi ông này công kích Bắc Kinh về hàng loạt vấn đề, trong đó gồm vấn đề Biển Đông, thương mại tự do và cả chính sách “Một Trung Quốc”. Trước khi ông Tillerson đến Bắc Kinh, Tổng thống Trump đã nói rằng Triều Tiên “đang cư xử rất tồi tệ” và cho rằng Trung Quốc đã làm quá ít để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan tới chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Trước đó, trong bài phát biểu tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc hôm 18/3, Ngoại trưởng Tillerson đã đưa ra một lời cảnh báo cứng rắn chưa từng có đối với Triều Tiên, nói rằng biện pháp đáp trả quân sự sẽ “được cân nhắc” nếu như Bình Nhưỡng tiếp tục có hành động đe dọa lực lượng Hàn Quốc và Mỹ.
Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ dường như đã đạt được một số bước tiến trong việc gạt bỏ các khác biệt quan điểm về nhiều vấn đề khác nhau, ít nhất là trong khoảng thời gian trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập.
Cả ông Tillerson và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm vừa qua đều đưa ra những lời lẽ mang tính hòa giải, khi mà Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Washington và Bắc Kinh sẽ cùng chung sức để khiến Triều Tiên phải “thay đổi hướng đi”.
Trong khi đó, cũng trong hôm cuối tuần, Triều Tiên tiếp tục có hành động làm gia tăng căng thẳng sau khi thử nghiệm một loại động cơ tên lửa mới tại trạm phóng tên lửa Tongchang-ri và lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng vụ thử nghiệm thành công này là đã mở ra ngành công nghiệp tên lửa của họ.
Tính đến nay, Triều Tiên đã 5 lần thử nghiệm hạt nhân và hàng loạt các vụ thử nghiệm tên lửa, bất chấp các lệnh trừng phạt của LHQ, và theo giới phân tích, đang tiếp tục phát triển các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới nước Mỹ.
Washington mong muốn Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Triều Tiên - sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để kiềm chế các chương trình vũ khí của nước này. Trung Quốc nói rằng họ cam kết trong việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nhưng tất cả các bên đều có trách nhiệm giảm bớt căng thẳng và trở lại bàn đàm phán.
Giới chức Trung Quốc cũng nhiều lần nói rằng họ không có tầm ảnh hưởng với Triều Tiên như Washington và nhiều nước khác nghĩ, và thể hiện quan ngại rằng Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu như trừng phạt quá nặng nề, khiến cho làn sóng người tị nạn đổ về khu vực Đông Bắc Trung Quốc.