Nhật Bản trước mối lo tên lửa đạn đạo
Trẻ em Nhật Bản tại một trường tiểu học mới đây đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế sau khi được cho tham gia vào một cuộc diễn tập đối phó với đòn tấn công tên lửa từ Triều Tiên, trong bối cảnh nước này từng nhiều lần bắn thử nghiệm tên lửa ra phía biển Nhật Bản.
Học sinh tiểu học tại trường Oga của Nhật Bản tham gia diễn tập sơ tán tên lửa.
Những đứa trẻ đang chơi đùa trong khuôn viên trường cùng giáo viên của chúng thì bỗng dưng một hồi còi báo động vang lên. Ngay lập tức, tất cả giáo viên và học sinh của trường tiểu học này lập tức nằm sát xuống mặt đất và chờ có thêm chỉ dẫn tiếp theo.
“Đây là một cuộc diễn tập”- một giọng nói từ loa phát thanh vang lên khắp thị trấn ven biển. “Một tên lửa đã được phóng đi”.
Chỉ vài phút sau đó, toàn bộ những người có mặt trong trường chạy khỏi khu vực sân tập thể thao và vào nhà thi đấu. Tất cả đều được hướng dẫn bởi những tình nguyện viên lớn tuổi hơn, những người xếp thành hàng ngang ngay ngắn cạnh những đứa trẻ đang ngồi yên lặng dưới sàn gỗ.
Được biết đây là cuộc tập huấn sơ tán đầu tiên của Nhật Bản nhằm chuẩn bị cho trường hợp xảy ra một vụ tấn công tên lửa từ Triều Tiên.
“Một trái tên lửa đã rơi ở vị trí ngoài khơi Oga 20 km bên trong vùng biển thuộc chủ quyền”- một giọng nói khác từ loa phát thanh vang lên. “Mức độ thiệt hại là chưa rõ, nên xin hãy trú bên trong nhà thi đấu”.
Sau khi buổi diễn tập kết thúc, một vị quan chức địa phương đã gửi lời cảm ơn tới những người đã tham gia, cùng lúc khéo léo tránh nhắc đích danh Triều Tiên.
“Chính phủ đang nỗ lực hết sức để hòa giải với các nước để quốc gia nọ không bắn đi một trái tên lửa”- ông Atsushi Odani, một quan chức chính phủ, cho hay. “Nếu họ khai hỏa tên lửa, các lực lượng phòng vệ sẽ cố gắng bắn chặn nó”. Đương nhiên, Nhật Bản hoàn toàn có đủ sức mạnh phòng thủ khi phải đối diện với những mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.
Hồi đầu tháng này, các tàu mang tên lửa định hướng đến từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cùng tham gia cuộc tập trận hải quân chung tập trung vào việc cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa. Các chiến hạm này đều được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis nhằm phát hiện sớm các mối đe dọa tên lửa. Chúng còn có thể khai hỏa các tên lửa đánh chặn hoặc gửi dữ liệu theo dõi về các tàu khác nằm trên đường bay của tên lửa để có bắn chặn tên lửa vào lúc nó đạt độ cao đỉnh điểm.
Tuy nhiên, Nhật và các đồng minh quân sự thân cận nhất của họ là Mỹ và Hàn Quốc, không thể ngăn chặn Triều Tiên khỏi việc phóng 4 tên lửa đạn đạo hồi đầu tháng này. Tokyo cho hay 3 trong số 4 tên lửa mà Triều Tiên phóng đi trong hôm 6/3 đã rơi xuống vùng biển chỉ cách bờ biển Oga thuộc bờ biển phía Tây nước này cách đất liền 370 km.
Bất chấp việc LHQ áp đặt nhiều lớp lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo, trong năm 2016 Bình Nhưỡng đã thực hiện ít nhất 2 vụ thử hạt nhân và thử nghiệm hàng chục tên lửa.
Tại làng chài bình yên Oga của nước Nhật, nhiều người dân địa phương cho hay họ cũng nhận thức rõ được mối nguy hiểm đến từ biển khơi.
“Thật đáng sợ”- Zen-ei Nishikata, một ngư dân ở Oga nói và nghi vấn: “Bạn không thể biết được Triều Tiên có thể làm gì tiếp theo”. Đối với một số người ở Oga, cuộc diễn tập sơ tán tên lửa đã mang lại những ký ức đau đớn.
“Trong Thế chiến II, chúng tôi phải vào hầm trú ẩn tránh không kích, mang theo mặt nạ mỗi khi nghe thấy tiếng còi báo động”- ông Reinosuke Ishigaki, 89 tuổi nói và cho hay: “Nếu một cuộc chiến bùng nổ với Triều Tiên, Nhật Bản sẽ là mục tiêu. Và họ có thể đặt tay lên nút ấn hạt nhân”.
Hiệu trưởng trường tiểu học ở Oga cho rằng cuộc diễn tập sơ tán tên lửa là một bài học giá trị đối với các học sinh của ông.
“Các em vẫn còn trẻ, nhưng khi lên tới lớp 6 là chúng đã bắt đầu hiểu được rằng quốc gia mà chúng ta nói tới trong cuộc diễn tập sơ tán này là nước nào”- ông Shin Kikuchi nói và nhận xét. “Mối đe dọa tiềm tàng từ một trái tên lửa là vượt ngoài sức tưởng tượng”.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/3, tuyên bố khi đang ở thăm Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng một khi Mỹ hết kiên nhẫn, có thể sẽ hành động quân sự với Triều Tiên và đánh phủ đầu là một lựa chọn có thể.Ông Rex Tillerson tuyên bố rằng tất cả các lựa chọn đều đang ở trên bàn, Mỹ không muốn xung đột nhưng một khi sự kiên nhẫn chiến lược của Mỹ với Triều Tiên hết thì hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên là một cách thức giải quyết vấn đề.
“Chính sách kiên nhẫn chiến lược đã chấm dứt. Chắc chắn chúng tôi không muốn tình hình diễn biến thành xung đội quân sự. Nhưng nếu họ gia tăng mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân tới mức độ mà Mỹ thấy cần thiết phải hành động, khi ấy, sự lựa chọn hành động quân sự sẽ được tính đến”- ông Rex Tillerson nói.
Đây được coi là tuyên bố cứng rắn nhất từ trước tới nay của Mỹ đối với những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.