Tập trung vào lĩnh vực then chốt để tạo sự lan tỏa

Việt Thắng (thực hiện) 20/03/2017 08:05

Để tăng trưởng theo mục tiêu 6,7%, kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2017 thực sự là thách thức, cần có những bước đột phá.

Trao đổi với ĐĐK, ông Trần Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: Phải nâng cao chất lượng đầu tư công thông qua các hình thức phân bổ đầu tư, ưu tiên đầu tư, hạng mục danh mục ưu tiên, rồi phân bổ vốn đầu tư để tránh lãng phí, thất thoát, tập trung vào một số lĩnh vực then chốt để tạo sự lan tỏa cao trong phát triển kinh tế.

Ông Trần Anh Tuấn.

PV: Ông nhận định sao khi tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta trong thời gian qua còn chậm, chưa tạo điều kiện để có một mô hình tăng trưởng tốt tạo được sự tăng tốc?

Ông Trần Anh Tuấn: Chính phủ cũng đã có Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, rồi lựa chọn lĩnh vực đầu tư. Nhưng thực sự muốn tái cấu trúc nền kinh tế được mạnh, nhanh thì phải xét thêm yếu tố vùng. Trong Đề án cũng đã đề cập đến nhưng cũng còn nhiều vấn đề. Như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tính hiệu quả cao, thu ngân sách nhiều, vốn bình quân thấp khi vốn bình quân đầu người thấp hơn bình quân cả nước.

Tuy nhiên chính sách đầu tư cho vùng này bị thu hẹp lại theo điều tiết ngân sách. Rồi cũng chưa có một cơ chế hữu hiệu để tạo đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư. Cho nên hiện chúng ta đang bị tắc, nên khó tái cấu trúc nhanh.

Thực tế thì mô hình tăng trưởng kinh tế của ta đứng trên góc độ cấu trúc đầu vào vẫn mang nặng mầu sắc tăng trưởng dựa vào vốn, mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công, thưa ông?

- Đúng là nền kinh tế của ta vẫn dựa vào vốn là chính. Sự đóng góp của các nhân tố tổng hợp, khoa học - công nghệ, kỹ năng quản lý, nguồn nhân lực chất lượng cao đang còn nhiều hạn chế trong tất cả các lĩnh vực.

Muốn khoa học - công nghệ phát triển thì phải có trung tâm tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Như Trung Quốc họ thu hút nước ngoài nhưng chuyển giao công nghệ từ việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Còn chúng ta thu hút nước ngoài nhưng lại không chuyển giao được công nghệ. Đó là do chúng ta chưa có trung tâm tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, rồi nhân công nghệ đó ra.

Tức là phải có trung tâm tiếp nhận nghiên cứu sản xuất để nhân rộng công nghệ. Bây giờ chúng ta chủ yếu là nhập công nghệ máy móc thiết bị, DN vừa và nhỏ chiếm đa số nhưng họ có tiền đâu mà nhập thiết bị hiện đại về mà sản xuất?

Chúng ta chưa nhân rộng được công nghệ thì làm sao có công nghệ sản xuất? Bởi chỉ có nhân rộng công nghệ thì giá thành mới rẻ, chứ còn nhập sao mà rẻ được?

Ngay trong nông nghiệp, các giống cây, con còn chưa được nhiều nói gì là công nghệ máy móc thiết bị. Đó là điểm yếu, cho nên sản xuất của mình phụ thuộc vào công nghệ của các nước do đó chúng ta chủ yếu là gia công và lắp ráp thủ công. Trong quá trình sản xuất, chúng ta không thiết kế được trong khi thiết kế gắn với khâu sản xuất, rồi công nghệ sản phẩm, hay ngay cả trong phân phối cũng yếu.

Xuất khẩu và tăng trưởng của ta dựa nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi khu vực tư nhân vẫn yếu kém thì khu vực nhà nước chưa đóng được vai trò dẫn dắt trong khi khu vực tư nhân chưa đủ sức vươn lên. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

- Do nền tảng tiến bộ khoa học - công nghệ của mình chưa vững chắc, kỹ năng quản lý chưa bài bản, chưa có tầm chiến lược dài hạn. Ngay doanh nghiệp (DN) tư nhân cũng chỉ mới lo trước mắt, làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, thiếu tính dài hạn.

Dài hạn là phải chấp nhận hy sinh trong một vài năm để có tăng trưởng dài hạn, nhưng nhiều doanh nghiệp không có suy nghĩ như vậy. Chỉ có một số DN mang tính dài hạn có chiến lược 5 năm trở lên thì thành công nhưng số lượng rất ít.

Chính phủ đã cam kết và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, rồi sắp xếp tổ chức lại bộ máy, đào tạo cán bộ công chức viên chức nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ đã phần nào tạo được sự chuyển biến.

Những cái đó mới chỉ là một phần, còn quan trọng là tính đột phá trong sản xuất. Hiện sản xuất ta đang lệ thuộc theo FDI trong khi đó ta không chuyển giao được công nghệ. Sau 20 năm thì công nghệ đã lạc hậu, và bước sang một thế hệ công nghệ mới lúc đó họ bán cho ta thì sao ta phát triển được? Coi như thua. Do đó những sản phẩm cao cấp “made in Việt Nam” vẫn chưa có là như vậy.

Từ thực tại của nền kinh tế thì để tăng trưởng theo mục tiêu 6,7%, kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2017 thực sự là thách thức đối với sự điều hành của Chính phủ. Theo ông cần những giải pháp mang tính đột phá nào?

- Lạm phát có thể đạt dưới 4% nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,7% phải là một sự cố gắng nỗ lực rất lớn. Muốn đạt được phải có những giải pháp đồng bộ. Thứ nhất trong đổi mới sáng tạo phải khuyến khích được khởi nghiệp bằng cách thu hút vốn xã hội vào trong việc sản xuất kinh doanh thông qua việc thành lập DN nhưng phải hoạt động hiệu quả.

Nghĩa là nó vừa hoạt động sản xuất phục vụ cho nền kinh tế nhưng nó phải hoạt động hiệu quả. Để tăng tính hoạt động hiệu quả có nhiều khía cạnh, trong đó cần cải cách môi trường đầu tư kinh doanh vừa khuyến khích khởi nghiệp vừa có tác động vào hiệu quả hoạt động của DN. Đó là giải pháp quan trọng nhất.

Thứ hai là nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta, mình phải thu hút được vốn. Tuy nhiên thu hút vốn là một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai.

Trong đó có việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phải thiết lập được tính minh bạch trong thủ tục thu hút đầu tư, rồi minh bạch hóa những ngành nghề, lĩnh vực cần thu hút đầu tư.

Vì các lĩnh vực cần thu hút mạnh đầu tư phát triển bao giờ cũng kèm theo các ưu đãi. Cho nên cần minh bạch hóa để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút FDI vì vốn ngân sách đang bị hạn chế.

Bên cạnh đó, chất lượng đầu tư công phải nâng cao chất lượng thông qua các hình thức phân bổ đầu tư, ưu tiên đầu tư, hạng mục danh mục ưu tiên, rồi phân bổ vốn đầu tư để tránh lãng phí, thất thoát, tập trung vào một số lĩnh vực then chốt để tạo tính lan tỏa cao trong phát triển kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Thắng (thực hiện)