Bứt phá cho lúa gạo
Cạnh tranh không lành mạnh, cơ chế xin cho tồn tại, doanh nghiệp vẫn còn tư duy ngồi mát ăn bát vàng... những bất cập trong xuất khẩu gạo tiếp tục tồn tại. Những điều đó đang là rào cản sự bứt phá của nông nghiệp nước nhà.
Xuất khẩu gạo hiện vẫn nằm trong tay những doanh nghiệp “đại gia”.
Nhiều bất cập
Trong cuộc làm việc mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại An Giang, đánh giá về ngành lúa gạo, Thủ tướng đã đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải được giải quyết ngay.
Trước hết là việc xuất khẩu gạo. Các chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp (DN) kinh doanh, xuất khẩu gạo cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã rất nhiều lần cho rằng cần thay đổi, cũng như bãi bỏ giấy phép con trong xuất khẩu gaọ.
Gần đây nhất, trong cuộc hội thảo công bố kết quả rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, TS. Đặng Quang Vinh đã đưa ra nhận xét: Cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay có nhiều bất cập. Chính vì thế mà ngành lúa gạo Việt Nam dù có nhiều thế mạnh nhưng bao năm nay vẫn khó bứt phá đúng với những gì mình đã và đang có.
Trong việc xuất khẩu gạo, Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đóng vai trò là chìa khoá. Nghị định 109 với những ràng buộc cứng muốn xuất khẩu được gạo, thương nhân tham gia xuất khẩu phải đáp ứng một số điều kiện: Có kho chuyên dùng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn; có ít nhất một nhà máy xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ; phải có hợp đồng xuất khẩu với giá không thấp hơn giá sàn công bố và phải có ít nhất 50% lượng gạo trong hợp đồng trải qua 6 năm, tới nay bộc lộ quá nhiều bất cập.
Theo phản ánh của cộng đồng DN thì điều đó đã tạo sự không công bằng. Ông Võ Minh Khải- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Viễn Phú cho rằng, Nghị định đã cản trở cơ hội tiếp cận thị trường của không ít DN và trao cơ hội cho các DN “đại gia” khác”.
Thực tế cho thấy, xuất khẩu gạo từ trước vẫn tập trung chủ yếu vào các DN lớn như Vinafood 1, Vinafood 2 và các DNNN cấp địa phương. Chẳng hạn trong năm 2008, 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất chiếm 70% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Riêng Vinafood 2 và Vinafood 1 đã chiếm tỷ trọng khoảng 40%, và cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp còn lại. Các DNNN xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng lớn chủ yếu là nhờ các hợp đồng chính phủ hay còn gọi là các hợp đồng tập trung.
Các hợp đồng này thường được giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quản lý và phân bổ cho các thành viên của Hiệp hội. Trong khi đó, các DNNN như Vinafood 1 và Vinafood 2 là những DN đứng đầu VFA và thông thường lãnh đạo của các công ty này cũng là Chủ tịch của VFA.
Giới chuyên gia nhận xét, cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay tạo rào cản, làm thui chột cạnh tranh và sáng tạo, giảm đầu tư. Nó cũng tạo bất bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân
Tập trung đất đai
Năng suất lao động nông nghiệp Việt Nam nằm ở mức thấp trong khu vực do quy mô đất đai trên lao động nước ta quá thấp. Trên 80% hộ nông dân nước ta có quy mô sản xuất dưới 1ha, thì năng suất lao động của Việt Nam thấp là điều dễ hiểu.
Một kết quả rà soát về chuỗi giá trị lúa gạo của CIEM cũng cho biết con số cụ thể, quy mô sản xuất lúa gạo còn nhỏ, trung bình 0,44 ha/hộ, chất lượng gạo thấp, nhiều chủng loại, không đồng đều, giá thấp hơn so với nước khác.
Nhiều khảo sát khác cũng cho thấy, quy mô diện tích đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay chỉ khoảng 0,5-0,7 ha/hộ, trong khi ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hộ thuần lúa phải có ít nhất 2 ha đất trở lên thì thu nhập từ sản xuất lúa gạo mới vượt qua ngưỡng đói nghèo.
Như vậy, nông nghiệp nói chung, ngành lúa gạo nói riêng sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới như: đất đai bị phân mảnh, khó áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất… Giới chuyên gia cho rằng cần phá điểm nghẽn đất đai bằng cách tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, cách nào để khắc phục điều này thì vẫn là câu hỏi lớn.
Thời gian qua cũng đã có một số mô hình tích tụ ruộng đất hiệu quả, như tập trung đất đai giữa nông dân với nông dân (dồn điền đổi thửa hoặc nông dân thuê lại đất của nông dân); tập trung đất đai thông qua hợp tác xã; tập trung đất đai thông qua doanh nghiệp (nông dân góp vốn bằng đất và trở thành cổ đông của công ty, DN đi thuê đất của dân, mô hình cánh đồng mẫu lớn). Song cũng thẳng thắn thừa nhận một thực tế: quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm.
Để đẩy nhanh tích tụ ruộng đất, trước hết, nền kinh tế phải phát triển đồng đều giữa các khu vực, phải kéo các trung tâm công nghiệp, dịch vụ về gần với người nông dân hơn.
Phải có bảo hiểm xã hội cho nông dân để họ yên tâm rút ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Có chính sách hỗ trợ tín dụng cho thuê đất, mua đất nông nghiệp để khuyến khích những hộ nông dân sản xuất giỏi tích tụ ruộng đất.
Biến quyền sử dụng đất thành một loại hàng hóa, trở thành nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, thông thoáng thủ tục thị trường chuyển nhượng và thuê đất nông nghiệp.
Nông nghiệp nói chung, ngành lúa gạo nói riêng sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới như: phân mảnh đất đai, khó áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất… Giới chuyên gia cho rằng cần phá điểm nghẽn đất đai bằng cách tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, cách nào để khắc phục điều này thì vẫn là câu hỏi lớn. |