Na Uy lần đầu là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Người Na Uy có lẽ có nhiều lý do để ăn mừng nhất trong ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 năm nay, khi soán ngôi Đan Mạch để lần đầu tiên đạt danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Trước đó, Na Uy 2 năm liền chỉ đứng ở hạng 4.
GDP, mức độ hào phóng, tuổi thọ, sự tự do trong cuộc sống là các thước đo mức độ hạnh phúc của một quốc gia. (Nguồn: LiveScience).
Đan Mạch đã hạ xuống hạng 2 trong năm nay, tiếp theo đó là Iceland, Thụy Sỹ, Phần Lan, Hà Lan, Canada, New Zealand, Australia và Thụy Điển, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới được công bố hôm đầu tuần bởi Mạng lưới Các Giải pháp Phát triển Bền vững thuộc tổ chức LHQ.
Trước đó, Đan Mạch đã từng đứng ở vị trí đầu bảng 3 trong số 4 lần báo cáo này được công bố, trong khi Thụy Sỹ mới giành được vị trí này có 1 lần. Mỹ đứng ở vị trí thứ 14, giảm một bậc so với năm ngoái. Các siêu cường thế giới khác cũng không thể có chỉ số hạnh phúc cao như khu vực Bắc Âu. Đức đứng ở vị trí thứ 16 liên tiếp trong 2 năm, trong khi Anh ở vị trí thứ 19, Nga tăng 7 bậc lên vị trí thứ 49. Nhật Bản tăng 2 bậc lên vị trí thứ 51, trong khi Trung Quốc tăng 4 bậc lên vị trí thứ 79.
Người dân ở nước Cộng hòa Trung Phi được đánh giá là không hài lòng với cuộc sống của họ nhất, theo bản báo cáo được thực hiện trên 155 quốc gia; tiếp đó là Burundi (xếp hạng 154), Tanzania (153), Syria (152) và Rwanda (151).
Không chỉ là vấn đề thu nhập
Đương nhiên chỉ số hạnh phúc không đề cập tới riêng vấn đề tiền nong, mà tiền chỉ là một phần trong đó. Chỉ số GDP/đầu người thực tế mới là thước đo chủ yếu, theo báo cáo. Các yếu tố khác gồm có mức độ hào phóng, tuổi thọ, có người nương tựa, sự tự do để đưa ra quyết định trong cuộc sống và chỉ số tham nhũng.
Các tác giả của bản báo cáo trên cho hay, đây là các thước đo mức độ hạnh phúc tốt hơn là đi phân tích nền giáo dục, chính phủ, sức khỏe, thu nhập và sự đói nghèo một cách riêng rẽ.
“Báo cáo Hạnh phúc Thế giới tiếp tục thu hút được sự quan tâm của toàn cầu về sự cần thiết phải tạo nên một chính sách toàn diện đối với phần lớn người dân” - Jeffrey Sachs, đồng chủ biên báo cáo và là Giám đốc của Viện Trái đất thuộc ĐH Columbia, cho hay.
“Như đã thấy ở nhiều quốc gia, báo cáo này cho thấy bằng chứng rằng hạnh phúc là kết quả từ một nền tảng xã hội vững mạnh. Đây là lúc để xây dựng niềm tin xã hội và cuộc sống khỏe mạnh, chứ không phải súng ống và những bức tường” - ông Sachs nói thêm.
Na Uy đã có cú bứt phá ngoạn mục để giành vị trí đầu bảng bất chấp giá dầu - nguồn thu chính của họ bị giảm, và điều này cho thấy số lượng tiền của một quốc gia không quan trọng bằng việc họ sử dụng nguồn tiền đó như thế nào.
“Đây là một trường hợp đáng chú ý” - đồng tác giả báo cáo, John Helliwell, nhận định - “Bằng cách lựa chọn sản xuất dầu một cách thận trọng và đầu tư cho thu nhập để thúc đẩy các thế hệ tương lai, Na Uy đã bảo vệ được mình trước sự biến động giá dầu do các nền kinh tế giàu dầu mỏ trên thế giới tạo nên”.
Niềm vui nơi công sở
Báo cáo năm nay cũng tập trung vào cả niềm vui tại nơi làm việc.
“Người ta thường có xu hướng dành phần lớn cuộc đời để làm việc, bởi vậy nên điều quan trọng là phải hiểu được vai trò của thất nghiệp và có công ăn việc làm trong mức độ hạnh phúc” - Jan-Emmanuel De Neve, Giáo sư khoa kinh tế thuộc ĐH Oxford, nhận định - “Báo cáo trên đã cho thấy hành phúc rất khác biệt khi xét về các tiêu chí như công ăn việc làm, kiểu việc làm và các khu vực công nghiệp”.
Ông De Neve, người phụ trách chuyên mục chỉ số hạnh phúc nơi làm việc của báo cáo trên, cũng thêm rằng những người làm công việc lương cao thường vui vẻ hơn, nhưng tiền không phải là thước đo duy nhất của hạnh phúc. “Cân bằng giữa công việc-cuộc sống, sự đa dạng của công việc và sự tự chủ trong công việc mới là những nhân tố quyết định”, ông De Neve nói.
Báo cáo này cũng tập trung cả về các nhân tố khác ảnh hưởng tới hạnh phúc.
“Ở các nước giàu, nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng thống khổ chính là chứng bệnh về tâm lý” - Richard Layard, thuộc Trung tâm Kinh tế trường ĐH Kinh tế London, cho hay.
Được biết chỉ số Hành phúc Quốc gia ra đời bắt nguồn từ một đề xuất ở Bhutan. Thủ tướng nước này ban đầu đề xuất về Ngày Hạnh phúc Thế giới tại LHQ trong năm 2011 và sau đó đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế về vấn đề này. Đại hội đồng LHQ trong năm 2012 đã tuyên bố lấy ngày 20-3 hàng năm làm ngày Hạnh phúc Thế giới, công nhận “hạnh phúc và thịnh vượng là các mục tiêu toàn cầu và là nguồn cảm hứng trong cuộc sống của con người trên toàn thế giới”.