Tập trung phát triển thị trường trái phiếu chính phủ
Theo bà Phan Thị Thu Hiền- Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính), tính đến ngày 28-2, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phát hành là 54.109 tỷ đồng.
Trong đó đối với trái phiếu Chính phủ là 41.909 tỷ đồng bằng 22,9% kế hoạch năm 2017 (183,3 nghìn tỷ đồng), bằng 107% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường là 26.909 tỷ đồng, phát hành cho Bảo hiểm Xã hội là 15.000 tỷ đồng; đối với trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 12.200 tỷ đồng.Trên thị trường thứ cấp, khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh bình quân/ngày trong tháng 2-2017 đạt khoảng 4.370 tỷ đồng giảm 31,3% so với bình quân cả năm 2016.
Về mặt bằng lãi suất TPCP ở mức 6,49% được đánh giá là khá hấp dẫn, khiến các ngân hàng đầu tư vào kênh này, thay vì cho doanh nghiệp (DN) vay vốn, bà Hiền phân tích: Hiện lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm và 7 năm bình quân dưới 6%/năm, thấp hơn khá nhiều so với lãi suất huy động tiền gửi cùng kỳ hạn của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, nếu không huy động được nguồn vốn rẻ hơn thì ngân hàng cũng không mặn mà đầu tư vào TPCP. Thực tế cho thấy, do lãi suất trái phiếu giảm, nên ngân hàng đã giảm đầu tư vào kênh này.
Nhiều người lo ngại ngân sách nhà nước tập trung huy động vốn (năm 2017 huy động 340.000 tỷ đồng) sẽ “hút” hết vốn trên thị trường. Tôi cho rằng, lo ngại này không có cơ sở, bởi nhà đầu tư vào TPCP, bên cạnh ngân hàng, còn lại là các nhà đầu tư dài hạn khác như Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Tiền gửi, doanh nghiệp bảo hiểm - các định chế không huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân để đầu tư vào TPCP, mà sử dụng các nguồn tiền nhàn rỗi để đầu tư.
Trước băn khoăn liệu các nhà đầu tư dài hạn như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi tăng khối lượng đầu tư có làm ảnh hưởng đến sự phát triển của TTTP doanh nghiệp?, bà Hiền cho rằng, hoàn toàn không ảnh hưởng, cũng như không cạnh tranh với việc phát hành trái phiếu DN. Theo kết quả thống kê, tính riêng trong năm 2016, khối lượng phát hành trái phiếu DN đạt 129.636 tỷ đồng, tăng 203,1% so với năm 2015.
Còn để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, theo Vụ trưởng Phan Thị Thu Hiền, Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó có lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu. Muốn thu hút được nguồn vốn ngoại thì phải tăng quy mô thị trường; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường như Kho bạc Nhà nước, các quỹ hưu trí tự nguyện… để tăng tính thanh khoản. Và quan trọng là phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu đặt niềm tin vào thị trường trái phiếu Việt Nam, nên năm 2016, lần đầu tiên phát hành được TPCP với kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài.