Nâng cao dũng khí
Tại Lễ bế mạc Hội báo toàn quốc 2017, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Nhà báo sẽ không đơn độc trên con đường gian khổ chống tham nhũng, lãng phí.
Điều này có nghĩa nhà báo tham gia đấu tranh chống tiêu cực sẽ luôn có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và được pháp luật bảo vệ. Giờ chỉ còn là vấn đề dũng khí của mỗi nhà báo khi đối mặt với các hiện tượng tham nhũng, lãng phí để không có sự thỏa hiệp, vượt lên mọi cám dỗ vật chất tầm thường.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ Bế mạc Hội báo toàn quốc 2017 ngày 19/3.
Trong những năm qua, không phải hiếm những vụ việc nhà báo bị hành hung, lúc là do các đối tượng lưu manh côn đồ, đôi khi cả những người thuộc các cơ quan nhà nước.
Có thể lấy ngay ví dụ vụ việc một nhà báo - Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên đã bị 3 đối tượng chém trọng thương sau khi làm phóng sự điều tra về vấn đề khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Sau đó vài tháng, 2 phóng viên của Đài PT-TH Thái Nguyên lại bị hành hung khi đang tác nghiệp ở huyện Đại Từ.
Còn nhiều những vụ việc các nhà báo bị đe dọa, hành hung khi có các bài viết chống tiêu cực mà trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê hết. Song, nhìn chung đây là những nhà báo có đủ dũng khí để đối mặt và phanh phui tiêu cực, không chùn bước, không thỏa hiệp.
Dù phải đối mặt với hiểm nguy, bị đe dọa, hành hung, song các nhà báo vẫn thấy được an ủi khi mà các cơ quan chức năng đã rốt ráo vào cuộc để lôi những kẻ táng tận lương tâm ra trước ánh sáng pháp luật. Sự đồng hành của cả hệ thống chính trị chính là động lực giúp các nhà báo chống tiêu cực thêm dũng khí để đối mặt với hiểm nguy.
Tuy nhiên, việc các nhà báo đấu tranh chống tiêu cực bị đe dọa, hành hung mới chỉ là một mặt của vấn đề đòi hỏi dũng khí. Nửa kia của vấn đề là liệu chính các nhà báo có đủ dũng khí để vượt qua chính mình, vượt qua được những cám dỗ vật chất tầm thường để tỏa sáng, tẩy rửa cho xã hội trong sạch hay không?
Đôi khi có một số nhà báo im lặng trước tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... không phải vì họ sợ bị hành hung, mà chỉ đơn giản là họ đã thỏa hiệp với cái sai, để yên thân, để có thêm một khoản thu nhập gấp hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần nhuận bút của bài viết. Còn có những nhà báo vì cái lợi bản thân đã uốn cong ngòi bút viết sai sự thật, biến trắng thành đen...
Trên thực tế cũng không phải là không có ở một vài nơi, vào thời điểm nào đó có những nhà báo bị công an bắt vì hành vi tống tiền cá nhân, tổ chức. Đau ở chỗ không phải các cá nhân, tổ chức đó “trong sạch” không hề có vấn đề, mà ở chỗ thay vì viết bài, làm phóng sự để phanh phui tiêu cực thì các nhà báo lại ngã giá, đe dọa với mục đích kiếm tiền bất chính.
Hành vi thỏa hiệp, coi vật chất là trên hết này của một số nhà báo không chỉ khiến hình ảnh bị méo mó trong con mắt của dư luận xã hội, nhất là người dân, mà còn khiến các cá nhân, tổ chức có tiêu cực nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không ai có thể động tới, đồng thời tạo tiền lệ xấu trong xã hội.
Người ta thường nói, sống ở trên đời thì không có gì đáng sợ hơn việc không thể vượt qua được chính mình. Theo đó, nếu đứng lên chống tiêu cực, có thể các nhà báo sẽ bị đe dọa, thậm chí bị hành hung, song việc làm đó sẽ giúp cho xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.
Đó là chưa kể với sự cam kết đồng hành của Đảng và Nhà nước thì tin rằng những người đã, đang và sẽ có ý định hành hung các nhà báo sẽ phải chùn bước sợ hãi bởi sự chế tài nghiêm minh của pháp luật.
Và đương nhiên khi người ta sợ thì sẽ không dám manh động làm liều, các nhà báo sẽ ngày càng an toàn hơn trong việc đấu tranh chống tiêu cực.
Ngược lại, nếu thực sự các nhà báo không thể vượt qua chính mình, bị những cám dỗ vật chất tầm thường làm lung lạc ý chí chiến đấu thì mối nguy ấy không ai có thể cứu được.
Trong trường hợp này, các nhà báo sẽ không còn đồng hành với cả dân tộc nữa, mà chuyển qua “cùng hội cùng thuyền” với những cá nhân, tổ chức tiêu cực, giúp họ làm càn gây hại cho dân cho nước. Và lẽ tất nhiên lúc này các nhà báo cũng sẽ trở thành một loại tội phạm cần phải được thanh lọc để làm trong sạch xã hội.
Vậy nên trong bất cứ thời điểm nào, ở đâu, các nhà báo không chỉ cần thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, mà còn cần rèn luyện kỹ năng, giữ gìn đạo đức người làm báo, để có thể vượt qua được những hiểm nguy khách quan, đồng thời cũng có thể vượt lên chính mình trước những cám dỗ vật chất tầm thường.
Các nhà báo không chỉ cần giữ vững, mà còn cần nâng cao dũng khí để có thể đối mặt với tiêu cực, đối diện với bản thân trong những thời điểm quyết định. Khi các nhà báo đã có đủ dũng khí để đối mặt với tiêu cực thì sẽ luôn có sự đồng hành, ủng hộ và bảo vệ của cả cộng đồng xã hội.
Cuối cùng, xin nhắc lại, tại Lễ bế mạc Hội báo toàn quốc vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nói: “Tôi đề nghị các cơ quan báo chí cả nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của mình tích cực tham gia viết về đề tài phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đồng thời tổng hợp gửi tác phẩm về Ban Tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” thông qua Hội Nhà báo Việt Nam. Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, những cơ quan báo chí và các nhà báo tham gia phát hiện, phản ánh đúng sự thật, khách quan, có tính xây dựng về các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sẽ không cô đơn mà luôn được Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam ủng hộ, cổ vũ và bảo vệ bằng trách nhiệm chính trị và pháp luật”. Thông điệp của người đứng đầu UBTƯ MTTQ Việt Nam không chỉ là lời động viên, nhắc nhở mà còn có ý nghĩa quan trọng, thiết thực tạo động lực, giúp các nhà báo tâm huyết dấn thân vào lĩnh vực đầy khó khăn, thách thức, đấu tranh chống lại cái xấu, đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng.