Tìm các giải pháp ngăn ngừa, xử lý
Trước bức xúc của dư luận những ngày qua về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, mới đây hơn 10 cơ quan ban ngành liên quan cùng Bộ LĐTBXH đã cùng nhau họp bàn các giải pháp phòng ngừa, xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Ảnh minh họa.
Thông tin từ C45, Bộ Công an cho thấy, trong 3 năm gần đây, số vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em có giảm về số vụ (năm 2014 là 1.544 vụ, 2015 là 1.360 vụ, năm 2016 là 1.248 vụ) nhưng lại tăng về tính phức tạp.
Như năm 2016, trong tổng số vụ xâm hại tình dục trẻ em thì có đến 415 vụ hiếp dâm trẻ em, 9 vụ cưỡng dâm, 599 vụ giao cấu với trẻ em, 188 vụ dâm ô trẻ em.
Những địa phương xảy ra tình trạng trẻ em bị XHTD nghiêm trọng trong năm 2016 là Đồng Nai (78 em), An Giang, Kiên Giang (55 em), Tây Ninh (49 em), Gia Lai (40 em), đặc biệt có vụ XHTD 23 trẻ em ở Lào Cai.
Đại diện C45 cho hay 6-7 vụ xâm hại trẻ em đang nóng gần đây như vụ xảy ra tại Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ Đức (TP.HCM), Hoàng Mai (Hà Nội), Cà Mau… cơ quan công an đều đã vào cuộc và sẽ khởi tố vụ án.
Chia sẻ về mức độ vụ xâm hại tình dục trẻ em, ông Trần Mười - Trưởng phòng Phòng chống xâm hại trẻ em, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, thời gian gần đây những vụ có tính chất nghiêm trọng nhiều hơn.
Độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng giảm, nhiều trẻ 4 - 5 - 6 tuổi. Thậm chí, ở Phú Thọ trẻ em 1 tuổi cũng bị xâm hại. Còn bà Nguyễn Thị Nga - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho hay, mỗi năm trung bình có hơn 1.200 trẻ bị XHTD, số vụ và số nạn nhân bị xâm hại diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.
“Trẻ em bị XHTD xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là có cả những em bé tuổi mầm non; nhiều vụ không được gia đình tố giác tới các cơ quan chức năng. Thủ phạm có sự dàn xếp với gia đình của nạn nhân. XHTD gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí dẫn tới trẻ em bị tử vong hoặc tự vẫn”, bà Nga nói.
Nhằm ngăn chặn xâm hại trẻ em, trong những năm qua, đã có các đạo luật cũng như văn bản được ban hành. Hiện có tới 6 đạo luật gồm Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống mua bán người, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật hôn nhân và gia đình và đặc biệt có Luật trẻ em năm 2016; cùng 12 quyết định, thông tư, chỉ thị để bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực và xâm hại.
Tuy nhiên, quy định trong gần 20 luật và quyết định, thông tư này chưa rõ thế nào là xâm hại, là dâm ô trẻ em, nên vẫn có nhiều tội phạm bị bỏ lọt, nhiều vụ xâm hại trẻ bị chậm xử lý.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng (Tòa án nhân dân tối cao), nhiều vụ xử lý chậm, nhiều vụ việc trái nguyên tắc của luật (gia đình nạn nhân không muốn là không xử lý).
“Số vụ xâm hại trẻ em trên thực tế nhiều hơn so với số vụ được xử lý. Trong nhiều vụ dâm ô trẻ em đòi hỏi chứng cứ là tinh trùng của nghi phạm là hoàn toàn không thể”, ông Tùng nói.
Bên cạnh vấn đề pháp lý thì một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc XHTD trẻ em xử lý chậm trễ là do phối hợp giữa các cơ quan thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hải Đường, Trưởng phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (Sở LĐTBXH Hà Nội), đề xuất cần có quy định trách nhiệm phối hợp giữa Bộ LĐTBXH, Bộ GD-ĐT, Bộ VHTTDL, Bộ TTTT, Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Y tế... nằm trong chuỗi ngăn ngừa, phòng chống và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại.
Còn bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho hay, trong đầu tuần tới, Bộ LĐTBXH sẽ gửi công văn tới các bộ ngành lấy ý kiến rà soát, điều chỉnh chính sách pháp luật, quy trình về bảo vệ trẻ em.
Trong đó có kiến nghị, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (quy định một số hành vi XHTD trẻ em nghiêm trọng); Bộ luật tố tụng Hình sự (quy định cụ thể thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại...). Ngoài ra, Bộ LĐTBXH cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ ban hành quyết định thành lập Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em.