Mỹ cấm hành khách nhiều nước mang thiết bị điện tử lớn lên máy bay
Các tuyến đường không trực tiếp từ 8 quốc gia ở khu vực Trung Đông và châu Phi tới nước Mỹ giờ đây sẽ phải cấm hành khách của họ mang theo gần như tất cả các thiết bị điện tử vào trong khoang máy bay- theo một quy định hạn chế mới nhằm đảm bảo an ninh mà chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành.
10 sân bay quốc tế lớn được chỉ thị phải thực thi lệnh cấm
trong vòng 96 giờ (Nguồn: CNN).
Lệnh cấm được ban hành
Theo quy định mới, hành khách tham gia các tuyến bay này sẽ phải giao nộp các thiết bị có kích thước lớn hơn một chiếc smartphone – trong đó gồm iPad, Kindle và máy tính xách tay – trước khi lên máy bay, và số hàng hóa này sẽ phải để trong hành lý ký gửi -giới chức Mỹ nói về quy định mới nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố.
Lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng tới trên 50 tuyến đường bay từ 10 sân bay, bao gồm các sân bay quốc tế lớn như dubai và Istanbul. 9 hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này đã nhận được thông báo về các tiến trình kiểm tra từ Cơ quan An ninh Giao thông trong hôm 21/3 và cần phải thực thi trong vòng 96 giờ đồng hồ.
Nhiều hãng hàng không quốc tế hàng đầu – như Emirates Airlines, Qatar Airways và Turkish Airlines – nằm trong số các hãng cần phải thực thi lệnh cấm trên.
Trước đó, giới chức Mỹ nói rằng thông tin tình báo của họ đã chỉ ra rằng các nhóm khủng bố tiếp tục nhằm vào các tuyến bay thương mại bằng cách mang theo thiết bị nổ đội lốt nhiều vật dụng khác nhau. Họ từ chối đưa thêm thông tin chi tiết về mối đe dọa này hay chỉ ra lý do tại sao chỉ có một số tuyến bay nằm trong lệnh cấm.
“Chúng tôi đang đánh giá thông tin tình báo, chúng tôi tin rằng mối đe dọa này vẫn hiện hữu đối với máy bay và các sân bay” – CNN dẫn lời một quan chức, cho hay.
10 sân bay quốc tế nằm trong lệnh cấm này gồm có các sân bay ở Cairo (Ai Cập), Dubai và Abu Dhabi (UAE), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Doha (Qatar), Amman (Jordan), Kuwait City (Kuwait), Casablanca (Morocco), Jeddah và Riyadh (Arab Saudi). 9 hãng hàng không bị ảnh hưởng gồm EgyptAir, Emirates Airlines, Etihad Airways, Kuwait Airqays, Qatar Airways, Royal Air Maroc, Royal Jordanian Airlines, Saudi Arabian Airlines và Turkish Airlines.
Giới chức Mỹ cho hay, các hãng hàng không nước này không nằm trong lệnh cấm bởi không có hãng nào của họ cất cánh từ các sân bay nằm trong lệnh cấm.
Lệnh cấm này cũng bao gồm các biện pháp an ninh chặt chẽ nhất kể từ sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Tất cả các loại máy tính xách tay, camera, máy tính bảng, sách điện tử, đầu DVD di động, các thiết bị chơi game, máy in và máy scan du lịch sẽ bị cấm mang lên các chuyến bay.
Các vấn đề an ninh gây quan ngại
“Nếu các hãng hàng không không tuân thủ quy định này trong vòng 96 giờ đồng hồ, chúng tôi sẽ làm việc với Cơ quan quản lý Hàng không liên bang (FAA) rút giấy phép của họ và họ sẽ không được phép bay tới Mỹ nữa” – một quan chức chính quyền Mỹ cho hay.
Một quan chức khác nói với hãng tin Reuters rằng, dù chính quyền Mỹ không phát hiện ra âm mưu nào cụ thể, nhưng Mỹ đã cân nhắc về một lệnh cấm tương tự từ trước đây.
Theo vị quan chức này, động thái trên được đưa ra sau khi thông tin tình báo chỉ ra rằng mạng lưới khủng bố Al Qaeda trên Bán đảo Arab đã có khả năng giấu chất nổ không chứa kim loại vào các thiết bị điện tử nhằm tấn công máy bay thương mại.
Chính quyền Mỹ cũng thể hiện mối quan ngại đặc biệt về các sân bay có trong lệnh cấm bởi các vấn đề kiểm tra an ninh của họ và khả năng những kẻ khủng bố thâm nhập vào đội ngũ nhân viên kiểm tra an ninh tại các sân bay này.
Hồi tháng 2/2016, một trái bom giấu trong máy tính xách tay đã phát nổ trên chuyến bay của hãng Daallo Airlines tại Mogadishu, Somalia. Kẻ đánh bom đã bị tiêu diệt, vụ nổ gây ra một lỗ hổng lớn trên thân máy bay, nhưng may mắn nó vẫn hạ cánh an toàn sau đó.
Theo các hạn chế mới, các thiết bị điện tử của hành khách – rất nhiều trong số này sử dụng pin Lithium – giờ sẽ được chứa trong khu vực chở hàng nằm phần bụng máy bay, ngay bên dưới khoang dành cho hành khách.
Giới chuyên gia an toàn hàng không từ lâu đã cảnh báo về khả năng pin bốc cháy khi đang trên máy bay có thể gây hỏa hoạn và tạo ra phản ứng chuỗi khiến máy bay rơi.
Năm ngoái, Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) đã khuyến cáo các nhà điều hành trên toàn cầu cấm chở các thùng hàng số lượng lớn các loại pin này.
Trước đó, đã từng có 2 chiếc Boeing 747 gặp nạn do cháy ở khu vực chở hàng của máy bay. Các nhân viên điều tra sau đó đã phát hiện ra nguyên nhân hỏa hoạn chính là do các cục pin Lithium mà hai chuyến bay này mang theo.