Cấp hạn ngạch để tránh đánh bắt kiểu tận diệt
Ngày 21/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Trước việc đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt, nhiều ý kiến đã đề nghị cần có quy định về việc cấp hạn ngạch để đánh bắt thủy sản, tránh lối đánh bắt “vô tội vạ”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt thì với nước ngoài ở tuyến bờ, cá nhỏ thì họ dùng lưới nhỏ, tuyến khơi cá to thì dùng lưới to. Còn ta cùng một loại lưới cứ kéo hết cả tôm lẫn cá.
Đánh bắt gần bờ theo lối hủy diệt khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt.
Không thể đánh bắt vô tội vạ
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh- Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn nêu lên một thực tế đáng báo động trong việc khai thác thuỷ sản. Theo đó, thuỷ sản của ta đang bị tận diệt bằng đủ các hình thức đánh bắt như kích điện, dùng thuốc nổ, hóa chất, do đó các vùng ven biển nguồn lợi thuỷ sản đã cạn kiệt.
Từ đó, Thượng tướng Minh đề nghị, trong bố cục của Dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về quản lý nhà nước ở những khu vực được đánh bắt, nêu rõ mùa nào cấm đánh bắt, đặc biệt vào mùa cá sinh sản, hoặc những khu vực ven bờ, những khu vực bảo tồn phải có quy định cụ thể. “Phải cấp hạn ngạch đánh bắt chứ không thể để đánh bắt vô tội vạ. Đánh bắt bằng điện chỉ bắt được vài con, còn dùng thuốc nổ đánh bắt chỉ bắt được vài tấn nhưng làm chết hàng chục tấn cá, xác cá chết nổi trắng biển”- Thượng tướng Phạm Ngọc Minh nói.
Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, ở các nước khác, mùa cá sinh sản họ đều cấm đánh bắt, họ cũng quy định rõ loại cá nào thì được đánh, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng ở ta không cấm rõ ràng, mùa cá sinh sản ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt hết nên mới dẫn đến câu chuyện tận diệt. “Nước ngoài ở tuyến bờ, cá nhỏ thì họ dùng lưới nhỏ, tuyến khơi cá to thì dùng lưới to. Còn ta cùng một loại lưới cứ kéo hết cả tôm lẫn cá”- ông Việt lưu ý.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững, nhất là trong tình hình hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng trên các thủy vực nội địa và vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép, sự suy giảm của hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường sống, biến đổi khí hậu. Theo ông Dũng, các hoạt động khai thác thuỷ sản phải tuân thủ quy định chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) mà Liên minh châu Âu đề ra.
Phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững
Tán thành với Dự thảo Luật quy định các chính sách cụ thể về đầu tư, hỗ trợ kinh phí, chính sách khuyến khích cho các hoạt động thuỷ sản; tuy nhiên theo ông Phan Xuân Dũng, trong bối cảnh nguồn lợi thuỷ sản hiện nay ngày càng cạn kiệt, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản gần bờ gặp nhiều khó khăn thì việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng là rất cần thiết.
“Cần đặc biệt quan tâm đề ra các chính sách ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ trong chuỗi các hoạt động thủy sản. Mục đích của các chính sách này là nhằm phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng thời cần nghiên cứu, xem xét lại chính sách về hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản, tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản xa bờ nên thực hiện xã hội hóa hoạt động này để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn”- ông Dũng nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cần lưu tâm thêm đến quản lý nuôi trồng chế biến khai thác trên đất liền, bởi hiện chúng ta mới quan tâm đến ở biển trong khi chính sách đánh bắt nuôi trồng hải sản trên đất liền lại rất hạn chế. Ông Tỵ cũng cho rằng, quy định khai thác ngoài vùng biển là cần thiết cho nên Luật cần mở rộng phạm vi, phải tính đến vùng ngoài phao số 0, do vậy cần nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với luật pháp quốc tế, không vi phạm pháp luật quốc tế nhưng phát triển được ngành thủy sản của chúng ta.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Luật nên có một chương riêng về quản lý nhà nước, trong đó quy định về nguyên tắc, trách nhiệm của Bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để tránh chồng chéo, trùng lắp trong quản lý nhà nước. Cần có các quy định bảo vệ được nguồn lực thủy sản, cấm hủy diệt thủy sản và xử lý nghiêm khi có vi phạm.
“Làm sao cấm nhưng phải khả thi, vừa là chế tài nhưng cũng phải khả thi. Cấp phép khai thác nhưng không được mâu thuẫn với Luật Đầu tư, nhất là trong bối cảnh Hiến pháp quy định người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Phải phân cấp quản lý tránh việc đưa ra quy định, giấy phép ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của công dân”- ông Hiển nói.
Ông Hiển cũng lưu ý, phải có quy định phát triển thủy sản, hậu cần nghề cá. Bởi nước ta có nhiều sông ngòi, ao hồ cho nên phải cân đối, chú ý cả phát triển nuôi trồng thủy sản ở sông ngòi, ao hồ tránh việc chỉ quan tâm đến phát triển đánh bắt ở ngoài biển.
Liên quan đến việc Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Quỹ ở đây là để phục hồi, tái tạo và phát triển. Luật Thủy sản năm 2003 đã có quỹ này nhưng trong dự án Luật mới đề xuất hai vấn đề. Thứ nhất là mở rộng cơ chế để xã hội hóa nguồn quỹ, thứ hai là thành lập quỹ cấp tỉnh. Bởi hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường biển là một nguy cơ hiện hữu, nếu không có quỹ của cấp tỉnh thì không thể xử lý. Riêng vụ 4 tỉnh miền Trung, trong đề án phục hồi môi trường biển, hệ sinh thái biển là một khoản tiền khổng lồ. Nếu nay mai ở địa phương nào đó xảy ra không có quỹ tỉnh nào xử lý được. “Chúng tôi thấy quỹ này rất cần thiết tuy nhiên cần tránh tình trạng biến tướng thành quỹ đầu tư nhiều tiền của Nhà nước và sinh ra bộ máy khổng lồ để quản lý. Như thế là đi ngược lại xu hướng, quan điểm của Chính phủ là không cần loại quỹ như thế. Nhưng rõ ràng đưa vào Luật phải có quỹ, còn đóng góp thế nào, thể thức hoạt động cần hoạt động theo nền kinh tế thị trường để phục vụ cho hoạt động kinh tế biển cũng như mục tiêu khai thác bền vững hải sản”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. |