Doanh nghiệp ngoại đổ vốn vào bất động sản
Thời gian qua thị trường bất động sản chứng kiến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi động. Dự báo, trong năm 2017, M&A trong lĩnh vực này sẽ mạnh hơn. Với nhiều ưu điểm như ổn định, tiềm năng, phát triển, thị trường bất động sản Việt Nam được nhiều nhà đầu tư ngoại chú ý, rót vốn.
Nhiều trung tâm thương mại được nhà đầu tư ngoại chú ý và rót vốn.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đổ vốn đầu tư (FDI) vào thị trường bất động sản (BĐS) thông qua các phương thức mua lại cổ phần; hợp tác đầu tư trên từng dự án, cho vay đầu tư. Trong giai đoạn 2014 - 2016, Việt Nam nhận hơn 66 tỷ USD vốn FDI, với lượng vốn tăng bình quân 2 tỷ USD qua từng năm, riêng năm 2016 nhận 26 tỷ USD. Trong số đó, vốn đổ vào lĩnh vực BĐS chiếm trung bình 10%.
Do dòng vốn FDI đổ vào thị trường BĐS khá lớn, vì vậy thời gian qua thị trường chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám. Ngày 20-3, đại diện Công ty TNHH Keppel Land (Keppel Land) cho biết, công ty này đã mua thêm 16% cổ phần tại Keppel Land WATCO I đến V, các công ty liên doanh phát triển dự án Saigon Centre tại TP HCM từ Tổng Công ty Đường sông Miền Nam. Thương vụ trị giá 845,9 tỉ đồng. Giao dịch này giúp Keppel Land nâng tổng số cổ phần tại các công ty liên doanh phát triển Saigon Centre Giai đoạn 1 và 2 (Keppel Land WATCO I, II và III) từ khoảng 45,3% lên 53,5%. Đồng thời nâng tổng số cổ phần tại hai công ty liên doanh phát triển các giai đoạn tiếp theo của Saigon Centre (Keppel Land WATCO IV và V) từ 68% lên 76,2%.
Không tập trung hẳn vào mảng thương mại, nhiều DN đổ vốn vào nhà ở. Điển hình, gần đây An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) đã công bố hoàn tất thương vụ M&A với 5 block còn lại của dự án Lacasa (quận 7), do Tập đoàn Vạn Phát Hưng đầu tư. Như vậy, đến thời điểm tháng 3/2017, An Gia đã mua lại 7 block của dự án. Trước đó, Công ty BĐS Gamuda Land của Malaysia chi hơn 1.400 tỷ đồng để mua lại toàn bộ cổ phần của liên doanh phát triển dự án Celadon City tại quận Tân Phú. Ở thị trường Hà Nội, công ty này cũng phát triển dự án Gamuda City và khu công viên Yên Sở.
Theo số liệu thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường BĐS CBRE Việt Nam, hơn 37.000 căn hộ được chào bán ra thị trường trong năm 2016. Một điều đặc biệt là đa phần nguồn cung ấy là do các dự án được mua lại tái khởi động chào bán ra thị trường. Các DN lớn liên tiếp tung ra thị trường hàng loạt dự án quy mô lớn. Có thể nói, M&A chính là công cụ tạo nên lượng lớn nguồn cung cho thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch HoREA cho rằng, trong các năm qua, thị trường BĐS thường nằm trong top 3 hấp thụ nguồn vốn FDI. Cơ hội và điều kiện cho các thương vụ M&A trên thị trường BĐS rất lớn. Đặc biệt, tại thị trường TP HCM có 500 dự án tạm ngưng triển khai. Đây là nguồn hàng phong phú cho thị trường M&A hoạt động.
Bởi vậy, trong năm 2017, M&A trong lĩnh vực này sẽ mạnh hơn. Thấy được hiệu quả từ các thương vụ M&A, nhà đầu tư cho hay, M&A giúp nhà đầu tư tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, đền bù và giải tỏa mặt bằng, đặc biệt nhiều dự án nằm ở vị trí đẹp, trung tâm nên hứa hẹn tỷ lệ lợi nhuận cao. Bởi vì xây dựng ở khu vực trung tâm chính là một giải pháp khả thi giúp cho các nhà quản lý tạo ra lợi nhuận mà không phải chịu thêm rủi ro nào ngoài những rủi ro của các chiến lược đầu tư thông thường.
Nhìn nhận về thị trường BĐS của Việt Nam, ông Ben Gray- Giám đốc khối Thị trường Vốn của Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, các nhà quản lý đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và Cushman & Wakefield đang giúp họ tìm kiếm những tài sản thích hợp với danh mục rủi ro/lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Theo các chuyên gia BĐSnước ngoài, dù thị trường BĐS Việt Nam khá thu hút đầu tư song thị trường này vẫn chưa mang lại lợi nhuận như kỳ vọng của các nhà quản lý, đó là chưa kể đến các rủi ro về tài chính hoặc xây dựng.