Xây dựng lò đốt rác thải ở xã Nghĩa Trung (Nam Định): Cần sự đồng thuận của nhân dân
Từ đầu năm 2017 đến nay, chính quyền xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng, Nam Định) triển khai việc xây dựng lò đốt rác thải tại địa bàn xóm 1. Tuy nhiên, quá trình triển khai khiến một số người dân địa phương thể hiện sự không đồng tình, tập trung tại địa điểm xây dựng để phản đối. Nguyên nhân do đâu?
Vị trí xã Nghĩa Trung dự định xây dựng là đốt rác.
Do chưa đồng thuận, một số người dân vẫn tập trung phản đối.
Sáng ngày 20/3, tìm hiểu thực tế tại khu đất ruộng, nằm gần chân đê sông Đáy thuộc địa bàn xóm 1, xã Nghĩa Trung, PV quan sát thấy trên diện tích ruộng rộng khoảng 2-3000m2 có một lượng đất đã được vật lên, tạo thành bờ bao xung quanh; cách vài trăm mét là một khu nghĩa địa; xa xa về hai phía Nam và Bắc là các khu dân cư, gồm xóm 1 (phía Bắc), và xóm 7 (phía Nam), toàn bộ phía Đông là cánh đồng. Một số người dân xóm 1, xóm 7 có mặt tại đây cho biết: Đây chính là vị trí chính quyền địa phương dự kiến xây dựng khu xử lý rác thải.
Theo ông Nguyễn Văn Ba (người dân xóm 7) và một số người dân khác, lý do người dân không đồng tình là vì: Vị trí xây dựng khu xử lý rác nằm gần khu nghĩa địa, không quá xa khu dân cư; phía dưới, ở xã Nghĩa Sơn liền kề có một nhà máy nước sạch đang được xây dựng, việc đặt khu xử lý rác thải tại đây có thể làm nguồn nước bị ảnh hưởng; trước khi thực hiện việc xây dựng công trình, chính quyền xã không họp bàn lấy ý kiến người dân ở các thôn xóm, nhất là các thôn xóm nằm gần vị trí dự kiến xây dựng. Cũng theo ông Ba và một số người dân khác, hiện tại xã đã có một khu chôn lấp rác thải khá rộng, nằm ở địa bàn xóm 11. “Nếu nhất thiết phải xây dựng khu xử lý rác thải, chúng tôi đề nghị chính quyền xã nên xây dựng tại nơi cũ”- ông Ba kiến nghị.
Liên quan đến việc này, chiều ngày 20/3, tại trụ sở xã Nghĩa Trung, thông tin với PV, ông Phạm Cao Thắng- Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian qua, vấn đề xử lý rác thải rất nóng bỏng, cấp bách ở địa phương. Ông cho hay, xã có 9.000 nhân khẩu, 12 xóm và 2 khu phố, mỗi ngày cả xã thải ra khoảng 2-3 tấn rác thải sinh hoạt.
Để giải quyết vấn đề rác thải, vào năm 2009, xã đã xây dựng một khu chôn lấp ở gần địa bàn các xóm 8, xóm 11, rác thải của xã lâu nay được chôn lấp ở đây. Đến thời điểm hiện nay, khu chôn lấp này đã khá đầy, nhất là vào tháng 7-2016, bão số 1 ập vào địa bàn, khiến hệ thống tường bao của khu chôn lấp này bị đổ, rác tràn ra ngoài, phát sinh ô nhiễm, người dân xóm 8, xóm 11 phản đối, không cho xã tập kết rác về chôn lấp tại đây, kéo theo nhiều hệ lụy. Trước tình thế này và hướng tới mục đích xử lý triệt để hơn vấn đề rác thải trên địa bàn, xã có chủ trương, kế hoạch lựa chọn một địa điểm mới để xây dựng khu xử lý rác thải mới, bằng công nghệ lò đốt, thay thế hình thức chôn lấp như nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đang áp dụng...
Về việc lựa chọn vị trí mới, ông Thắng giải thích: “Đây là bài toán rất khó đối với chính quyền xã. Xã chỉ rộng 4 km2, địa thế gần như là hình vuông, được bao bọc bởi các cánh đồng, trên các cánh đồng bao bọc xã có 7-8 khu nghĩa địa. Được sự hỗ trợ của Phòng TN-MT huyện, qua khảo sát, tính toán, chúng tôi nhận thấy chỉ có vị trí trên (ở địa bàn xóm 1) là phù hợp nhất, vì nằm gần chân đê, so với các vị trí khác vị trí này cách xa khu dân cư nhất, khoảng 400-500m. Vị trí nằm ở phía trong đê nên cũng không thể ảnh hưởng tới nguồn nước sông Đáy”. Về thắc mắc, kiến nghị của một số người dân xóm 1, xóm 7 tại sao xã không đặt lò đốt rác tại vị trí bãi chôn lấp cũ (ở xóm 11)?
Ông Thắng giải thích: “Thứ nhất, vị trí này lâu nay đã bị ô nhiễm môi trường. Thứ hai, vị trí này nằm gần khu dân cư hơn, chỉ cách khoảng 200 m, mật độ dân cư ở gần vị trí bãi rác cũng đông hơn các vị trí khác. Giữa khoảng cách gần, đông dân và khoảng cách xa hơn, mật độ dân ít hơn, chúng tôi phải chọn phương án thứ hai. Cũng có ý kiến nói sao không xây dựng ở khu đất ngoài bãi sông? Tuy nhiên, không thể xây dựng ở đây vì vi phạm hành lang thoát lũ”.
Việc một số người dân phản ứng, theo ông Thắng, chính quyền xã có thiếu sót, đó là khi thực hiện chủ trương, kế hoạch trên, mới chỉ bàn thảo thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đại diện các đoàn thể, chưa tổ chức họp bàn, lấy ý kiến toàn thể người dân nên một số người dân phản đối. Hiện chính quyền xã đang triển khai việc này.
Ông cũng cho biết: Ngoài việc tuyên truyền, thời gian qua xã đã tổ chức nhiều đoàn tới nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu hiệu quả thực tế áp dụng mô hình lò đốt rác thải. Trong đó, xã đã tổ chức một đoàn cho khoảng 100 người dân đi tham quan, tìm hiểu hiệu quả thực tế mô hình lò đốt rác xã Hồng Phong (Vũ Thư-Thái Bình) đang áp dụng (thông tin với PV, một số người dân địa phương xác nhận việc này)
“Khi được chứng kiến hiệu quả thực tế, hầu hết bà con đi tham quan về đều phấn khởi, tin tưởng, ủng hộ. Tuy nhiên, cũng còn một số người dân chưa tin, vẫn nghĩ rằng xã sẽ đưa rác về đây chôn lấp. Xã sẽ phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để toàn thể người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của công trình, qua đó đồng thuận, đồng hành với chính quyền trong việc bảo vệ môi trường” - ông Thắng thông tin.
Theo ông Phạm Cao Thắng, trên cơ sở chủ trương của cấp ủy, nghị quyết của HĐND xã, chính quyền xã đã làm tờ trình lên cấp trên. Vào ngày 3/3 vừa qua, xã đã nhận được thông báo của UBND về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã, trong đó UBND tỉnh đã đồng ý với quy hoạch, kế hoạch sử dụng vị trí đất ruộng ở xóm 1 trên cho việc xây dựng công trình xử lý rác thải. |