Ngăn chặn thực phẩm bẩn từ biên giới
Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước thời gian qua đã đến mức báo động. Đối với tỉnh vùng biên có đường biên giới rất dài với Trung Quốc như Lạng Sơn, thì nguy cơ thẩm lậu thực phẩm bẩn và ngộ độc thực phẩm càng cao. PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Thưởng- Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn xung quanh vấn đề ngăn chặn thực phẩm bẩn trên địa bàn.
Ông Phạm Ngọc Thưởng.
Theo ông Thưởng, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nghiêm túc. Nhiều chỉ thị, văn bản đã được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã thành lập 222 đoàn, đội thanh tra, kiểm tra từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn.
Thanh tra, kiểm tra được 985 cơ sở (chiếm 18%), trong đó số cơ sở vi phạm là 107 (chiếm 10,86%), số cơ sở xử lý, phạt tiền có 69 cơ sở (chiếm 7%) và tang vật hàng hóa vi phạm thu được trị giá 550.516.000 đồng. Tổng số tiền xử phạt là 116.950.000 đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
PV:Theo khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhất là khu vực biên giới, các chợ cửa khẩu và TP. Lạng Sơn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng còn sử dụng và buôn bán nhiều. Vậy công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng có thực sự hiệu quả, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Thưởng: Với quyết tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp triển khai thực hiện quyết liệt của các lực lượng chức năng và qua công tác kiểm tra, chúng tôi khẳng định rằng không còn tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng còn sử dụng và buôn bán tràn lan trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh biên giới, có nhiều cửa khẩu và cặp chợ biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, là nơi có hoạt động nhập lậu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc vào nội địa luôn là một vấn nạn đáng lo ngại. Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc trao đổi thông tin, phát hiện nguy cơ thẩm lậu thực phẩm bẩn qua biên giới và tích cực phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Do vậy tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, cơ bản đã được ngăn chặn, kiềm chế.
Trong 3 năm (từ năm 2011-2013) trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm tại các huyện Đình Lập, Hữu Lũng, Bắc Sơn, với tổng số 207 người mắc, không có trường hợp nào tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do nguồn nước dùng để chế biến thực phẩm và thức ăn có nhiễm vi sinh vật. Từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Tuy nhiên, công tác quản lý vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng gặp nhiều thách thức. Đó là tình trạng sử dụng hóa chất, chất kích thích, kháng sinh bừa bãi trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng gian lận trong sản xuất thực phẩm đang trở thành mối nguy hại đối với người tiêu dùng. Đồng thời, việc vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP, nhất là đối với các cơ sở nhỏ lẻ, các cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ, vì lợi nhuận mà sẵn sàng vi phạm các quy định về ATTP.
Ngoài ra, mặc dù công tác chỉ đạo rất quyết liệt, các lực lượng chức năng rất cố gắng nhưng tỉnh có đường biên giới trải dài trên 231 km với nhiều đường mòn, lối mở, lực lượng chức năng còn mỏng, người dân vì thiếu hiểu biết, vì lợi nhuận nên vẫn mua bán, vận chuyển gia cầm, thực phẩm lậu qua biên giới, tạo nên nguy cơ lan truyền dịch bệnh.
Hơn nữa, nhận thức của người dân về vệ sinh ATTP chưa cao, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn chấp nhận dùng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, ưa dùng thực phẩm giá rẻ; các hóa chất, phụ gia bị cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, bảo quản thực phẩm được bán trôi nổi trên thị trường đã tạo cơ hội cho những cá nhân hay tổ chức vì lợi nhuận mà vi phạm. Ý thức chấp hành pháp luật về ATTP và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng chưa cao, do người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt, coi thường tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.
Thêm vào đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vi phạm. Vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa được phát huy đúng mức.
Thời gian tới tỉnh Lạng Sơn sẽ có những giải pháp cụ thể nào để triển khai công tác đảm bảo vệ sinh ATTP có hiệu quả, thưa ông?
- Để làm tốt công tác đảm bảo ATVSTP, hạn chế tối đa nhất việc buôn bán các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bền bỉ, sâu rộng tới từng người dân, chủ trang trại, doanh nghiệp về Luật ATTP; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để nâng cao ý thức trách nhiệm vấn đề vệ sinh ATTP của các cấp, ngành, doanh nghiệp và từng hộ dân. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trách nhiệm phối hợp của các ngành chức năng đối với công tác bảo đảm vệ sinh ATTP theo quy định của Luật ATTP trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, điều hành công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cấp. Cùng đó là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP.
Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư quản lý, sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại tạo ra chuỗi sản xuất ATTP trên địa bàn. Quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất, nuôi trồng đảm bảo ATTP phù hợp với tình hình địa phương. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… trong công tác vận động, tuyên truyền và giám sát đảm bảo vệ sinh ATTP.
Mặt khác, tỉnh cũng sẽ tăng cường khuyến cáo các doanh nghiệp, người sản xuất trong quá trình sản xuất, kinh doanh hãy vì sức khỏe cộng đồng, thực hiện đúng các quy định bảo đảm ATTP. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, thái độ của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý tình trạng mất ATTP. Để bảo đảm vệ sinh ATTP, mỗi người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm rõ nguồn gốc, đáng tin cậy, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trân trọng cảm ơn ông!