Kỳ vọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Theo GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, một đất nước muốn phát triển cần lực lượng lao động ở các trình độ khác nhau, không thể tất cả cùng làm “thầy” mà không có ai làm “thợ”.
Vấn đề phân luồng học sinh cần được Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo quan tâm nhiều hơn nữa, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chiến lược để thực hiện, làm sao để huy động nguồn lực của toàn xã hội cho việc thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.
GS Phạm Minh Hạc.
PV: Thưa ông, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định kiện toàn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2021. Trong đó, thành phần các ủy viên so với giai đoạn trước có nhiều thay đổi. Ông nghĩ sao về điều này?
GS Phạm Minh Hạc: Việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định kiện toàn Ủy ban trong giai đoạn này cho thấy sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà - điều mà toàn xã hội đang rất quan tâm.
Trong giai đoạn hiện nay, theo tôi đang có nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng về sự phát triển giáo dục chưa đáp ứng được những nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra của đất nước, của thời đại. Chúng ta có nhiều khiếm khuyết, nhiều điều chưa phù hợp đã được nói đến từ lâu nhưng đến nay đã là năm 2017, tuy có đổi mới nhưng theo tôi là quá chậm.
Ngành giáo dục mấy năm qua tập trung vào khâu thi cử nhưng đây là khâu cuối cùng của việc đánh giá giáo dục căn bản. Tuy có triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhưng đến nay mới công bố được Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Nhìn vào các mục tiêu đưa ra thì khá sát với thực tế nhưng chưa biết việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa cụ thể của từng môn học, từng cấp học sẽ thay đổi như thế nào? Thời gian để triển khai dạy sách giáo khoa mới sắp đến nhưng đến nay vẫn chưa ai biết hình hài cuốn sách giáo khoa mới ra sao.
Tôi từng trò chuyện với nhiều giáo viên và được nghe nhận xét rằng chương trình học của chúng ta quá nặng so với nền giáo dục của nhiều nước tiên tiến khác. Chẳng hạn môn Toán chúng ta thiên về dạy lý thuyết, nhiều kiến thức khó mà có lẽ các nhà toán học, những người sau này đi sâu vào nghiên cứu ngành này mới quan tâm còn phần lớn học sinh không cần học đến các kiến thức này. Ngược lại, phần thực hành, phần kỹ năng mềm, thậm chí là thái độ với học tập, với cuộc sống… là điều nhà trường chưa làm được…
Tất cả những điều đó, tôi hy vọng Ủy ban Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2016 – 2021 sẽ tạo ra những thay đổi, cải thiện được tình hình này. Trong đó, với sự xuất hiện của các ủy viên mới gắn bó trực tiếp với việc đào tạo nguồn nhân lực, các đơn vị nòng cốt về phát triển khoa học, kỹ thuật nước nhà… sẽ nghiên cứu, tham mưu với các cấp lãnh đạo để đưa ra những chủ trương, định hướng phù hợp trong giai đoạn mới.
Ông nhận định thế nào việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh từ cấp phổ thông hiện nay?
- Vấn đề này chúng ta nói đến từ lâu. Thời gian qua có hai tỉnh Vĩnh Phúc và Nghệ An đã thực hiện và có kết quả tốt nhưng theo tôi nhận xét là tự phát thôi, chưa tạo thành phong trào rộng khắp cả nước như kỳ vọng.
Nghị quyết 29 - Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (2013) đã chia ra là 2 cấp học rất rõ rệt cấp học phổ thông và định hướng nghề nghiệp. Nhưng nhìn vào số liệu các năm học gần đây, chẳng hạn năm học 2016-2017, có những tỉnh 95-96% học sinh lớp 9 vào lớp 10. Như vậy, có phân luồng gì đâu?
Trên thực tế chỉ đạo (ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương) đang mở cửa cho số đông học sinh tràn vào luồng THPT và chặn luồng học lên đối với các hệ TC chuyên nghiệp và TC nghề. Định hướng phân luồng từ sau THCS của hệ thống giáo dục đã thể hiện trong nhiều chủ trương, nhưng thực tiễn giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của nước ta trong nhiều năm qua lại diễn ra hoàn toàn theo chiều hướng trái ngược. Chính tỉ lệ nhập học THPT cao đã dẫn tới tình trạng quy mô học sinh hệ TC chuyên nghiệp và dạy nghề quá thấp so với quy mô sinh viên ĐH, CĐ (mặc dù tỉ lệ nhập học ĐH của Việt Nam vẫn còn ở dưới mức trung bình của thế giới).
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề của chúng ta sau những năm 1990 bị giảm sút nhiều. Tổng cục dạy nghề được thành lập, có khôi phục được ít nhiều nhưng việc đào tạo nghề vẫn chưa tương xứng với yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế xã hội của nước nhà.
Mỗi bậc học đã chia ra nhiệm vụ rất rõ ràng nhưng nhìn thì thấy, phần lớn các trường CĐ nghề tuyển sinh chật vật còn các trường TC nghề thì thoi thóp do vào ĐH quá dễ, ai muốn đi học để làm công nhân đây.
Một đất nước muốn phát triển cần lực lượng lao động ở các trình độ khác nhau. Chúng ta đào tạo trình độ ĐH tràn lan, không chú ý đến cấu tạo nghề nghiệp phù hợp với trình độ phát triển của nước ta. Đó là vấn đề lớn Ủy ban cần quan tâm đến chỉ đạo để ngành giáo dục xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trân trọng cảm ơn ông!