Hàn Quốc trục vớt phà Sewol sau 3 năm thảm họa
Các nỗ lực nhằm trục vớt con phà Sewol ở vùng biển ngoài khơi Hàn Quốc đã bắt đầu hôm 22/3, vào thời điểm 3 năm kể từ khi thảm họa chìm phà xảy ra khiến 304 người thiệt mạng, phần lớn là học sinh nước này đang trong một chuyến du lịch.
Những gia đình có con em thiệt mạng trong thảm họa Sewol đứng quan sát tại một ngọn hải đăng. (Nguồn: KoreaTimes).
Việc trì hoãn dài kỳ chiến dịch trục vớt xác phà Sewol đã khiến rất nhiều gia đình nạn nhân tức giận. Hôm 22/3, rất nhiều người trong số họ đã tập trung trên các con tàu tới vùng biển phía Nam Hàn Quốc để theo dõi chiến dịch trục vớt. Được chỉ thị bởi chính phủ lâm thời của Hàn Quốc, chiến dịch trục vớt diễn ra sau khi Tổng thống Park Geun-hye, người bị chỉ trích nặng nề sau thảm họa này, bị phế truất.
Các kỹ sư sẽ cố gắng nâng con phà dài 140 m từ dưới đáy biển lên mặt nước mà không phải cắt nó ra thành nhiều mảnh nhỏ. Làm như vậy có thể giúp lực lượng hộ trục vớt được 9 thi thể nạn nhân được tin là vẫn bị mắc kẹt bên trong xác phà.
Trên một con tàu theo dõi quá trình thực hiện chiến dịch trục vớt, các thành viên gia đình nạn nhân tỏ ra rất lo lắng bởi nhiều người trước đó đã phải chứng kiến sự thất bại của chiến dịch tương tự.
“Tôi tới đây ngày hôm nay với suy nghĩ rằng sẽ có thể nhìn thấy con tàu này, nơi vẫn tồn tại linh hồn của con trai tôi” - ông Lim Young-jae, người có con trai bị chết trong thảm họa, nói với hãng tin Reuters.
Ông Lim cho hay ông mong muốn chiếc phà này sẽ được trục vớt “để sự thực cuối cùng sẽ được làm rõ”. Park Yoon-su, người có cô con gái may mắn sống sót trong vụ chìm phà, nói rằng ông sẽ chỉ tin là phà Sewol được trục vớt khi được tận mắt chứng kiến nó trồi khỏi mặt nước.
“Mất quá nhiều thời gian cho việc đưa con phà lên khỏi mặt nước rồi” - ông Park nói - “Tôi lo ngại rằng rất nhiều chứng cứ đã bị hủy hoặc biến mất, và chúng tôi sẽ không thể biết được sự thật nữa”.
Ông Shin Chanh-sik, một người cũng theo đoàn tàu tới theo dõi chiến dịch trục vớt, nói rằng ông từng tới hiện trường vụ chìm phà này rất nhiều lần sau cái chết của con trai mình.
“Chính phủ đã thử trục vớt con phà này khoảng 7-8 lần gì đó, nhưng chưa từng thành công, bởi vậy nên tôi chỉ đứng đây kiên nhẫn chờ đợi và theo dõi tiến trình” - ông Shin nói - “Tôi cầu nguyện cho họ, đặc biệt là những gia đình vẫn chưa tìm được người thân của họ”.
Những gia đình có thân nhân thiệt mạng trong thảm họa này cũng tham dự một buổi họp báo trong hôm 22/3 tại cảng Paengmok, Jindo ngay trước một ngọn hải đăng được sơn màu đỏ cùng các dải băng màu vàng - biểu tượng của thảm họa phà Sewol - để bày tỏ cảm xúc của mình.
Hàng nghìn dải băng màu vàng vẫn được buộc quanh các hàng rào chắn của ngọn hải đăng, cùng với các bức ảnh, tranh vẽ, thông điệp và lời cầu nguyện từ những người dân trong khu vực.
Park Eun-mi, mẹ của một nữ sinh thiệt mạng mà thi thể đến nay vẫn chưa được tìm thấy, đã có bài phát biểu đầy cảm xúc. Bà nói rằng bà hy vọng các thi thể vẫn bị mắc kẹt sẽ sớm được trục vớt, thêm rằng “sẽ là điều vô cùng đau lòng đối với các gia đình biết được thi thể con em họ ở đâu nhưng lại không thể làm gì”.
Được biết, trong chiến dịch lần này, các kỹ sư đặt các xà rầm nâng nổi và phao dưới xác phà Sewol và rồi sau đó kéo nó lên mặt biển nhờ một bến nổi di động. Sau đó xác phà sẽ được đưa vào bờ. Trong trường hợp con phà có dấu hiệu bị gãy, các chuyên gia sẽ ngừng ngay quy trình này lại.
Được biết phà Sewol đã bị chìm tại khu vực biển ngoài khơi phía Tây Nam của Hàn Quốc vào ngày 16/4/2014. Trong lúc mà cả đất nước đã theo dõi thông tin trực tiếp qua truyền hình, hơn 300 hành khách - phần lớn là học sinh của một trường trung học đang có chuyến tham quan tới đảo Jeju - đã bị chết chìm.
Một cuộc điều tra sau đó đã tìm thấy chứng cứ cho thấy sự sơ suất của lực lượng cảnh sát biển, và lỗi của thuyền trưởng cũng như đội ngũ thuyền viên. Một đoạn video xuất hiện sau đó cho thấy Thuyền trưởng Lee Joon-seok, chỉ mặc đồ lót, đang nhảy xuống biển thoát thân trong khi hàng trăm người vẫn bị mắc kẹt trong chiếc phà này. Ông Lee đã bị kết án tội danh giết người.
Nhiều gia đình nạn nhân cùng giới chính trị gia đối lập ở Hàn Quốc từ lâu đã kêu gọi trục vớt phà Sewol và mở cuộc điều tra toàn diện về vụ thảm họa này. Sự việc được coi là một “vết đen” trong sự nghiệp chính trị của bà Park Geun-hye, người đã vắng mặt trong lúc xảy ra thảm họa, mà phải mãi đến 7 giờ đồng hồ sau mới xuất hiện để đưa ra phát biểu trước toàn quốc.
Sau khi bà Park bị phế truất, nhiều người biểu tình bà còn hát một bát hát có tên “Sự thật không bào giờ chìm”, để tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm họa chìm phà.