Giành lại vỉa hè nhưng phải đảm bảo cuộc sống cho người dân
Hà Nội vừa đồng loạt ra quân xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, vỉa hè. Riêng Đống Đa – quận đông dân nhất Hà Nội với con số trên 42 vạn người, từ ngày 10/3 tới nay đã xóa 12 điểm giữ xe sai quy định, dỡ bỏ 1.465 bục bệ cầu dẫn xe, 484 biển hiệu quảng cáo sai quy định... Với vai trò giám sát của Mặt trận, ông Đỗ Trọng Nam - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Đống Đa cho rằng: Làm gì thì làm, vẫn phải đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.
Ông Đỗ Trọng Nam - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Đống Đa.
PV:Thưa ông, Ủy ban MTTQ quận Đống Đa đã xây dựng chương trình cụ thể ra sao trong việc triển khai các nội dung tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn để đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh?
Ông Đỗ Trọng Nam: Với công tác trật tự đô thị, năm 2017, TP Hà Nội lấy chủ đề là “Năm kỷ cương hành chính”, nhưng công tác quản lý trật tự đô thị vẫn là công tác quan trọng hàng đầu trong thời điểm hiện nay.
Ngay sau khi Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội triển khai Kế hoạch số 01 về việc “Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng, lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố”, toàn quận Đống Đa đã và đang tiến hành đợt cao điểm xử lý vi phạm từ 10 đến 31/3.
Có thể nói, gắn với năm kỷ cương hành chính, thì trật tự đô thị vẫn là nhiệm vụ triển khai song song, thậm chí phải đẩy nhiệm vụ lên mức cao hơn, quyết liệt hơn nữa mới thay đổi được bộ mặt đô thị của Hà Nội một cách rõ ràng, thấm vào từng người dân hơn nữa. Vì công tác trật tự đô thị không dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
Với quận Đống Đa, quan điểm của lãnh đạo là làm sao để ra quân quyết liệt nhưng không “đao to búa lớn”, đó mới là hiệu quả bền vững.
Về phía Mặt trận, chúng tôi đã xây dựng văn bản chỉ đạo các tổ chức thành viên và Mặt trận tổ quốc cấp phường tập trung vào các nội dung tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn đẩy mạnh các phong trào thi đua, đặc biệt là đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trong đó nội dung thực hiện đô thị văn minh là rất lớn đối với khối Mặt trận quận. Trên cơ sở đó chúng tôi triển khai vận động, đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện. Đến thời điểm này, về công tác tuyên truyền, vận động đã ký được 2.788 cam kết thực hiện.
Chương trình giám sát đã được Mặt trận quận Đống Đa thực hiện ra sao?
- Qua giám sát, tôi cho rằng công tác tuyên truyền, vận động cơ bản đã thấm vào từng người dân và họ đã tự giác dỡ bỏ các bục, bệ, cầu dẫn xe, mái vẩy, mái che, biển hiệu quảng cáo sai quy định. Đồng thời lực lượng liên ngành ra quân có phương tiện tháo dỡ hỗ trợ người dân.
Tất nhiên trong quá trình làm vẫn còn chỗ người dân chưa hiểu hết, khi đó vai trò của Mặt trận là tuyên truyền vận động để họ hiểu. Trong quá trình giải quyết thì phải rất linh hoạt, mềm dẻo, cần nhắc nhở, hướng dẫn chứ chưa xử lý. Chúng tôi chủ trương tránh phát sinh điểm nóng. Qua giám sát, tôi cũng cho rằng làm gì thì làm vẫn phải đảm bảo cuộc sống của người dân được ổn định.
Trên toàn địa bàn quận Đống Đa có những tuyến phố phải làm cho sạch đẹp, nhưng cũng có những tuyến phố đặc thù. Ví dụ có những tuyến phố giải phóng mặt bằng, sau giải phóng mặt bằng thì cốt đường, cốt nhà chênh nhau quá lớn, có những nhà cốt đường và cốt nhà chênh tới 70-80cm. Nếu mình không có cơ chế, mà cứ cứng nhắc cực đoan mang máy móc vào cưỡng chế thì dân không biết đi vào bằng cách nào. Qua giám sát tôi đề nghị các phường tạm thời dừng lại những trường hợp đó để xin ý kiến của lãnh đạo quận.
Chủ trương của lãnh đạo quận là khi làm cũng phải linh hoạt, tránh gây tâm lý bất ổn trong nhân dân, chính mình phải tuyên truyền vận động nhân dân. Cái cần ở đây là để tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức để họ tự giác thực hiện chứ không phải mình làm bằng cách cưỡng chế. Làm sao phải có sự hài hòa để người dân ghi nhận.
Đó là những điều Mặt trận tham gia giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện. Vừa tuyên truyền vận động, vừa giám sát hiệu quả. Cuối cùng tôi vẫn cho rằng hiệu quả thực sự phải là duy trì sự bền vững chứ không chỉ sạch đẹp lúc ra quân.
Trong quá trình xử lý vi phạm trật tự đô thị, những trường hợp người dân nghèo mưu sinh từ hàng chục năm qua tại vỉa hè được Mặt trận quan tâm như thế nào thưa ông?
- Trong quá trình vừa tham gia vận động, tuyên truyền, vừa giám sát chúng tôi cũng thấy có những vấn đề nảy sinh, như vấn đề mưu sinh của người dân ở vỉa hè từ lâu nay, cần phải giải quyết ra sao cho phù hợp. Có những hộ dân mưu sinh tập trung ở vỉa hè, khi thực hiện chương trình trật tự đô thị, họ không được ngồi ở vỉa hè kiếm sống nữa.
Nhưng với chủ trương xóa đói giảm nghèo của Nhà nước, đó lại là những đối tượng nghèo khó, vì vậy qua vai trò giám sát của Mặt trận, chúng tôi đã đề xuất lên cấp ủy, chính quyền là làm sao có cơ chế thích hợp bố trí cho những trường hợp đó. Ví dụ, có thể tạo điều kiện cho những trường hợp khó khăn vào ngõ giúp họ tiếp tục duy trì mưu sinh.
Trân trọng cảm ơn ông!