Sửa đổi Nghị định 19 về kinh doanh khí: Gỡ bỏ nhiều rào cản cho doanh nghiệp
Mặc dù đã được sửa đổi song, trong bản Dự thảo Nghị định về kinh doanh khí gas thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP đang được Bộ Công thương xây dựng vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự hỗ trợ DN, tạo thêm nhiều áp lực chi phí và thời gian cho hoạt động của DN. Đó là ý kiến của các DN nhỏ và vừa kinh doanh khí gas tại Hội thảo lấy ý kiến DN nghị định về kinh doanh khí do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 22/3.
Thừa nhận rằng, nhiều quy định tại Nghị định 19 đang can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN, làm khó DN, Bộ Công thương đã đề xuất bãi bỏ hàng loạt quy định tại Nghị định này và đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19.
Tại hội thảo lấy ý kiến DN được VCCI tổ chức, nhiều DN bày tỏ sự phấn khởi, đồng tình khi thời gian qua, nhà quản lý đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của DN trước hàng loạt khó khăn, rào cản mà các quy định tại Nghị định 19 gây ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành khí gas.
Theo ông Hà Thanh Tùng- Giám đốc Công ty TNHH Đông Tùng (Hà Giang), số lượng các DN nhỏ và vừa đang phải chịu tác động của Nghị định 19 về kinh doanh khí không phải là con số nhỏ. Theo ông Tùng, kể từ thời điểm Nghị định này ra đời, các DN nhỏ và vừa hoạt động trong ngành đã phải chịu rất nhiều tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN trong số đó đã phải rời thương trường vì không thể đáp ứng được các yêu cầu, quy định.
“Và cũng tính từ thời điểm đó, không một cuộc hội thảo góp ý kiến nào mà cộng đồng DN chúng tôi không có mặt. Nhưng tôi nhớ, lần trước chúng tôi có 43 DN tham gia hội thảo để góp ý về Nghị định này thì đến hôm nay (khoảng 6 tháng) chỉ còn 30 DN có thể tham dự tại đây. Nếu Nghị định 19 vẫn còn tiếp tục thì tôi nghĩ sẽ chẳng còn mấy DN có thể tham dự những hội thảo tương tự nữa”- ông Tùng nói.
Ghi nhận thực tế từ hoạt động của các DN, ông Trần Trọng Hữu - Tổng Thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, các quy định hiện hành về kinh doanh khí còn tồn tại sự chồng chéo liên quan tới các quy định về điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ… gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho DN cũng như các lực lượng quản lý thị trường.
Chính vì thế, đang có tình trạng “loạn” thị trường kinh doanh khí gas, gian lận thương mại, vi phạm về sở hữu tài sản (vỏ bình gas)… Đó còn chưa kể thực trạng nhiều tổ chức, cá nhân còn lợi dụng kẽ hở để chiếm dụng hay thu giữ tài sản của các DN khác đang kinh doanh gas gây bất bình đẳng trong cạnh tranh trên thị trường.
Song, ông Hữu cũng nêu quan điểm, việc thay đổi chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm đã phải sửa đổi và điều chỉnh các quy định hiện hành về kinh doanh khí sẽ có thể gây khó cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp rất cần những chính sách ổn định để yên tâm làm ăn”- ông Hữu nhấn mạnh.
Tham gia đóng góp ý kiến, nhiều DN nhỏ và vừa bày tỏ sự đồng tình với các đề xuất sửa đổi Nghị định 19 của Bộ Công thương, song với những DN quy mô lớn lại có những ý kiến trái chiều. Cụ thể theo ông Nguyễn Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dầu khí EPIC (Nghệ An), việc bãi bỏ quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh khí phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp và sở hữu trạm cấp khí thì nguy cơ thị trường gas sẽ “loạn” là khó tránh.
Theo vị giám đốc này, ngay cả khi vẫn duy trì Nghị định, tình trạng nạp gas chui vẫn còn diễn ra, thì không loại trừ việc khi các quy định trong Nghị định bị loại bỏ thì thực trạng vi phạm còn bất cập đến mức nào...