Nhiều trường hợp ngộ độc rượu do methanol
Sau vụ ngộ độc do rượu methanol khiến 9 người tử vong và hàng chục người phải nhập viện ở Lai Châu thì liên tiếp những ngày gần đây xuất hiện các ca ngộ độc tương tự. Các bệnh nhân nhập viên trong tình trạng đau đầu, mờ mắt, có dấu hiệu tổn thương não, phù não… rất nguy kịch. Vậy methanol là chất gì và nguy hiểm như thế nào?
Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol.
Liên tiếp nhập viện vì ngộ độc
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 22-2 đến nay, trên địa bàn TP đã ghi nhận 25 trường hợp ngộ độc methanol trong rượu, 3 trường hợp đã tử vong. Mới đây nhất, nhóm sinh viên 12 người có cả nam và nữ mua 2,5 lít rượu ở ngõ 259 phố Yên Hòa, Hà Nội về uống từ trưa đến tối. Sáng hôm sau, 7 người xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt, nôn ra máu, được đưa vào Bệnh viện 198 cấp cứu sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Hôm sau nữa có thêm 5 sinh viên nhập viện với triệu chứng tương tự, 3 người được về nhà ngay vì xét nghiệm lượng methanol không cao.
Tất cả 9 bệnh nhân còn lại đều được xác định ngộ độc rượu methanol và điều trị theo phác đồ ngộ độc rượu, phải nằm viện điều trị. Những ngày nằm viện các bệnh nhân bị hôn mê, phải thở bằng máy, được lọc máu liên tục để giải độc, hồi sức cấp cứu...
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhờ được điều trị tích cực nên các bệnh nhân đã vượt qua tình trạng nguy kịch ban đầu. 4 bệnh nhân nặng phải thở máy đã được rút ống thở. Sức khỏe các bệnh nhân còn lại tiến triển tốt và ra viện sau vài ngày.
Tuy nhiên, do hệ quả của nhiễm độc methanol, dù hồi phục sau ngộ độc, 4 sinh viên vẫn bị giảm thị lực và 3 người khác có dấu hiệu tổn thương não. Họ sẽ tiếp tục trải qua các bước theo dõi thăm dò để kiểm tra và đánh giá tình trạng sức khỏe.
Còn tại Hà Tĩnh, thông tin từ Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Viết Đồng cho biết: Bệnh viện mới tiếp nhận và điều trị tích cực cho bệnh nhân
Nguyễn Thị N (55 tuổi, trú xã Bình Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị hôn mê sâu do ngộ độc rượu có methanol. Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà vào Bệnh viện tỉnh trong tình trạng hôn mê, da niêm mạc nhợt, thở qua bóp bóng nội khí quản…Sau 3 ngày điều trị tại khoa Cấp cứu chống độc bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực với triệu chứng nặng như: Hôn mê sâu có rối loạn chuyển hóa, có dấu hiệu tổn thương não, phù não.
Theo người nhà bệnh nhân thì bà N có tiền sử uống rượu nhiều từ 2 năm nay. Mỗi ngày uống 3 lần. Và lần sau cùng bệnh nhân bị ngộ độc và nằm hôn mê tại nhà một ngày rồi mới được hàng xóm và họ hàng phát hiện đưa đi cấp cứu. Vì nhập viện muộn nên tình trạng bệnh rất nặng.
Bác sĩ CKI. Nguyễn Bá Trọng - Khoa Cấp cứu chống độc - BV Hà Tĩnh cho biết: Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận từ 7-8 bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol với các triệu chứng như đau đầu dữ dội, nhìn mờ, rối loạn tiêu hóa nôn, buồn nôn, kích thích, vật vã, hôn mê, tụt huyết áp.
Lạm dụng rượu bia đang là vấn đề nhức nhối của xã hội.
Methanol là gì và nguy hiểm như nào?
Cồn methanol thường được sử dụng trong công nghiệp hóa chất. Đây là một loại chất rất độc vì chúng thải trừ chậm, khi bị oxy hóa sẽ chuyển thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Trong đó, Formol là chất tẩy khuẩn mạnh, dùng trong công nghiệp thường được pha loãng để tẩy uế dụng cụ, mặt đất và môi trường bị nhiễm khuẩn, nấm mốc. Còn axit Formic thường xuất hiện trong nọc độc của các loài ong và kiến.
Chính những chất này sẽ gây độc cho gan và thận gây suy thận cấp, gan nhiễm độc. Đối với người bình thường, chỉ cần uống phải từ 5 - 15ml methanol có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên là gây mù loà, 30ml có thể gây tử vong. Điều đáng nói, nguy cơ ngộ độc methanol rất cao bởi nhiều cơ sở sản xuất sử dụng lại cồn này để pha chế vì giá rẻ, khó phát hiện.
Bình thường, loại rượu duy nhất để uống có tên là rượu ethylic hoặc ethanol được sản xuất theo quy trình riêng, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm. Hoặc theo cách nấu dân gian là nấu cơm rồi ủ với men sau đủ ngày thì trưng cất thành rượu. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều người đã cho cồn công nghiệp vào để nấu rượu, cồn có độc tính rất cao, được gọi là rượu methanol.
Thậm chí có người còn pha nước lã với cồn để làm thành rượu. Thông thường, trong các sản phẩm rượu, bia đều có chứa chất cồn ethanol nên nếu lạm dụng, uống quá nhiều sẽ gây ngộ độc, nhưng nếu không may sử dụng phải rượu chứa methanol thì mức độ ngộ độc còn nguy hiểm hơn nhiều, có thể gây hôn mê, tụt huyết áp, mù mắt, trụy mạch, chết người.
Theo các chuyên gia y tế, rượu pha cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khi vào cơ thể, chất cồn này được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả cơ quan cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải mất 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…; khi đó thì tình trạng đã nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, triệu chứng nữa có thể là chán nản, lú lẫn, ngủ li bì. Triệu chứng nhiễm độc có thể xuất hiện chậm sau 18 - 24 giờ, bao gồm đau đầu, các triệu chứng về thị lực, buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp. Nhiễm độc methanol nặng gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.
Bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol thường để lại hậu quả rất nặng nề vì vậy để phòng ngộ độc rượu người dân cần thực hiện các khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm:
Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Các bác sĩ cũng khuyến cáo thêm người dân không được uống khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp. Về cảm quan bên ngoài, chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất. Ngoài ra khi ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Một cách thử khác nhiều người áp dụng là đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt. Tuy nhiên, tất cả những cách khử đó đều không an toàn. |