Kiến trúc sư, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Tấn Phát: Nhà Cách mạng - Nhà Văn hóa
Nói đến Huỳnh Tấn Phát là nói đến một con người có nhân cách lớn, trí tuệ, tài hoa và hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Nhưng, nghề kiến trúc luôn gắn bó, song hành cùng ông, và các công trình kiến trúc do ông sáng tác thể hiện sâu sắc tư duy văn hóa, lối sống, nhân cách của ông - những phẩm chất cao đẹp làm nên chân dung của nhà cách mạng, nhà văn hóa-KTS Huỳnh Tấn Phát.
Chân dung KTS Huỳnh Tấn Phát.
1. Ông sinh ngày 15/2/1913 trong một gia đình viên chức nghèo ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Năm 1936, Huỳnh Tấn Phát tốt nghiệp thủ khoa kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương (khóa 9).
Năm 1940, ông mở Văn phòng thiết kế riêng tại số 68-70 đường Mayer (đường Võ Thị Sáu) và đoạt giải Nhất cuộc thi thiết kế kiến trúc Hội chợ Triển lãm Đông Dương ở Vườn Ông Thượng (nay là vườn hoa Tao Đàn) do Toàn quyền Đông Dương Decoux tổ chức. Trong thời gian từ 1938 đến 1943, KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế nhiều công trình được xây dựng tại Sài Gòn, Gia Định và nhiều nơi khác ở miền Nam như Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt… các công trình kiến trúc của ông đều thể hiện một tư duy sâu sắc về văn hóa Á Đông, về năng lực sáng tạo thể hiện qua những hình khối kiến trúc được bố cục chặt chẽ, hiện đại nhưng khoáng đạt, cởi mở và hài hòa với cảnh quan nhiệt đới phương Nam. Những công trình do KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế lúc bấy giờ đã gây một sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức miền Nam và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp.
Huỳnh Tấn Phát sớm giác ngộ cách mạng ngay từ khi còn là sinh viên, và tham gia tích cực trong các phong trào chống thực dân Pháp cùng với nhiều trí thức trẻ như Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm. Tháng 3/1945, qua giới thiệu của nhà cách mạng Trần Văn Giàu, Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 25/3/1945, nhân dân Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên khởi nghĩa cướp chính quyền. Trước đó, đêm 24 rạng sáng ngày 25, KTS Huỳnh Tấn Phát đã vinh dự được giao thiết kế và chỉ huy xây dựng Kỳ đài cao 15 m, dựng ở ngã tư Charner-Bonard (đường Nguyễn Huệ- Lê Lợi bây giờ), ghi danh 11 vị Ủy viên Ủy ban Hành chính Nam Bộ. Công trình độc đáo sơn màu đỏ này đã gây ấn tượng tốt đẹp đối với người dân Sài Gòn trong những ngày đầu cách mạng.
Ngày 9/10/1945 Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu Đoàn đại biểu thanh niên Nam Bộ ra Bắc gặp Bác Hồ và dự Đại hội Thanh niên toàn quốc tại Hà Nội. Đây là sự kiện lớn lao, rất có ý nghĩa, quyết định đến cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Huỳnh Tấn Phát được Đảng phân công nhiều cương vị khác nhau, như Ủy viên Ủy ban Hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ. Sau Hội nghị Geneve, năm 1954, theo sự phân công của Đảng, ông trở lại Sài Gòn hoạt động và làm việc tại Văn phòng thiết kế của KTS Nguyễn Hữu Thiện. Năm 1955, đồ án dự thi thiết kế Nhà Văn hóa của ông, dự kiến được xây dựng trên khuôn viên Khám Lớn Sài Gòn do nhà cầm quyền tổ chức, đạt giải Nhì (không có giải Nhất). Cũng trong thời gian này, Huỳnh Tấn Phát được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn, phụ trách công tác trí vận, rồi làm Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn –Gia Định. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập (1960). Huỳnh Tấn Phát tham gia Ủy ban T.Ư lâm thời, rồi đến năm 1962 thì được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận. Năm 1969, Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cực kỳ gian khổ, trách nhiệm lãnh đạo rất nặng nề, nhưng Huỳnh Tấn Phát vẫn dành thời gian hiếm hoi để thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình trong chiến khu, mà trong đó nổi bật là Hội trường Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam lần thứ I. Công trình tuy chỉ xây cất hoàn toàn bằng tre, gỗ, nứa lá nhưng rộng rãi, khang trang, nằm ẩn mình kín đáo dưới vòm xanh của rừng già chiến khu, đã làm xúc động các đại biểu về dự Đại hội. Sau này, khi ông mất, bà Bùi Thị Nga, phu nhân của ông đã tập hợp được hơn 60 bản vẽ do chính ông phác thảo các công trình kiến trúc, quy hoạch dự định sẽ xây dựng tại Lộc Ninh, thủ phủ kháng chiến của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, như : Quy hoạch tổng thể trung tâm Lộc Ninh; Đài tưởng niệm liệt sỹ; Đền thờ Bác Hồ; Khu nhà Giao tế; Nhà Văn hóa-thông tin; Nhà hát ngoài trời; Khách sạn, Cửa hàng Bách hóa; Trường học; Bệnh viện; Khu Thể dục thể thao; Chợ dân sinh… Các phác thảo của KTS Huỳnh Tấn Phát trong chiến tranh ác liệt đã thể hiện một tầm nhìn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của một nhà lãnh đạo; khả năng sáng tạo dồi dào của một KTS tài năng, một nhà văn hóa lớn.
Bản quy hoạch căn cứ Lộc Ninh.
2. Đất nước thống nhất KTS Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước giao phó nhiều trọng trách quan trọng, như Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng từng kiêm nhiệm Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước; Chủ tịch Hội KTS Việt Nam.
Cuộc đời ông gắn liền với nền kiến trúc nước nhà từ những năm 30 với tư cách là một KTS thuộc thế hệ lão thành được đào tạo trước Cách mạng Tháng Tám cho đến sau này khi đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập. Ông từng là Trưởng ban chỉ đạo Quy hoạch Thủ đô và trực tiếp là Chủ nhiệm đồ án quy hoạch xây dựng Hà Nội. Trong đồ án quan trọng này, ông đã vạch ra những nét cơ bản cho sự phát triển Thủ đô sau này. Ông cũng là người trực tiếp cầm bút phác thảo đồ án kiến trúc Nhà hát Hòa Bình (Q.10, TPHCM) hay góp ý cho đồ án thiết kế Nhà ga hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội); Cung Thiếu nhi T.Ư; Trường đại học Sư phạm Hà Nội; Bảo tàng Hồ Chí Minh… Năm 1983, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội KTS Việt Nam lần thứ 3, Đại hội đầu tiên của giới KTS Việt Nam thống nhất, ông đã được bầu làm Chủ tịch Hội.
Trên cương vị này, ông đã có điều kiện để gần gũi, quan tâm hơn đến hoạt động của giới KTS cả nước, chỉ ra đường hướng phát triển của Hội sau chiến tranh, mà trước hết là phải thật sự đoàn kết, động viên KTS các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là các KTS đã làm việc dưới chế độ cũ, để họ yên tâm góp sức vào công cuộc kiến thiết. Ông rất trăn trở và quan tâm đến phát triển nhà ở cho người nghèo đô thị, nông thôn và nhà ở cho công nhân. Dù bận rộn với trọng trách của Chính phủ, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng ông vẫn dành thời gian cho hoạt động của giới kiến trúc. Ông đã từng đi xuống mỏ than Mạo Khê làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo một cuộc thi, tìm ra mẫu nhà ở thích hợp với điều kiện kinh tế, tiện dụng để xây dựng cho công nhân vùng mỏ.
3. Cuộc đời của KTS Huỳnh Tấn Phát thật đặc biệt và cũng rất bình dị. Ông hiến dâng tất cả cho sự nghiệp Cách mạng, cho lợi ích của nhân dân, nhưng bản thân ông và gia đình sống rất thanh bạch, có thể nói là nghèo so với cương vị, trọng trách lớn mà ông đảm nhiệm. Là KTS, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhưng đến khi qua đời (ngày 24/5/1989) KTS Huỳnh Tấn Phát không có một ngôi nhà là tài sản riêng của mình. Đền thờ ông hiện nay ở quê nhà xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, Bến Tre là công trình kiến trúc có quy mô khiêm tốn, một tầng, mái ngói được xây dựng ngay trên phần đất của dòng họ Huỳnh thể hiện đúng lối sống giản dị, thanh bạch, khiêm nhường, ghét thói phô trương, xa hoa của ông. Năm 1998, thể theo tâm nguyện của ông khi còn sống, gia đình cố KTS Huỳnh Tấn Phát đã thành lập Quỹ học bổng mang tên ông và ủy nhiệm cho Hội KTS TP Hồ Chí Minh quản lý, để giúp đỡ các sinh viên Kiến trúc nghèo ham học, với suất học bổng 2-3 triệu đồng. Đến nay, với sự tham gia đồng hành của xã hộị, Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát đã trao hàng trăm suất học bổng cho sinh viên kiến trúc. Nhiều em trong số đó đã trở thành các KTS giỏi, làm việc ở TP Hồ Chí Minh và nhiều vùng trên cả nước.
KTSPhạm Thanh Tùng