Chùa Bổ Đà: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa
Du khách thập phương về Lễ hội chùa Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang) năm nay cảm thấy thật đặc biệt, bởi cũng chính dịp này, ngôi chùa cổ kính - nơi đang lưu giữ 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính, được đón nhận “Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt”.
Khu vườn tháp.
Tôn vinh các giá trị độc đáo của di sản
Chùa Bổ Đà tọa lạc trên vùng đất linh thiêng thuộc dãy Bổ Đà sơn (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa. Tương truyền, chùa Bổ Đà có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và mở rộng vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729), gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: Chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp, ao Miếu và khu vườn chùa.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao “Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà” cho Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh. Dịp này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cũng đã trao Bằng công nhận Lễ hội chùa Bổ Đà là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho huyện Việt Yên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao “Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà” cho tỉnh Bắc Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh khẳng định: Chùa Bổ Đà là một trong các đại danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa (Bắc Giang ngày nay). Trải qua nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng chùa Bổ Đà cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ từ nét văn hóa tường đất, vườn tháp đến kiến trúc gỗ truyền thống mang phong cách nghệ thuật đan xen của các thời đại nối tiếp nhau.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng: “Việc chùa Bổ Đà được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và Lễ hội Bổ Đà là Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia là sự tôn vinh, ghi nhận các giá trị tiêu biểu nổi bật, độc đáo của di sản. Cùng với những nỗ lực cố gắng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của các cấp, các ngành, đặc biệt là Đảng bộ và nhân dân huyện Việt Yên thời gian qua”.
Bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị độc đáo
Đến thăm chùa Bổ Đà, du khách có cơ hội tìm hiểu về bộ mộc bản kinh Phật độc đáo. Hiện, chùa Bổ Đà đang lưu giữ 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính. Mộc bản có niên đại sớm nhất được san khắc vào năm 1740, và muộn nhất vào những năm của thế kỷ XX.
Trải qua nhiều thế kỷ, bộ mộc bản kinh Phật hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn, thể hiện tư tưởng của Phật giáo Việt Nam thuộc dòng Thiền Lâm Tế. Các ván kinh được khắc trên gỗ thị vừa bền, không cong vênh và rất nhẹ. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo còn lưu lại đến nay. Đây là kho di sản tư liệu quý giá không chỉ về lịch sử Phật giáo mà còn có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện: Lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, văn học, mỹ thuật, y học… Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250m² để rải các tấm ván kinh ra. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận đây là bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam, chứa nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, mỹ thuật…
Sư trụ trì chùa Bổ Đà cho biết, trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế - 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật - gồm: Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.
Khu vườn tháp lớn nhất Việt Nam
Một trong những nét độc đáo không thế không nhắc đến, và du khách cũng không nên bỏ qua khi tới chùa Bổ Đà, đó là khu vườn tháp rộng trên 7.500m² với 97 tòa tháp lớn nhỏ, được xây bằng đá và gạch chỉ, mạch được chít theo lối cổ (bằng hỗn hợp vôi trộn mật mía và giấy bản).
Đây là nơi lưu tàng xá lỵ, tro cốt nhục thân của hơn 1.214 tăng, ni thuộc dòng thiền Lâm Tế và 40 pho tượng Phật, trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX) như bộ tượng Tam Thế, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Sen, tòa Cửu Long, tượng Tam Châu…Vườn tháp này còn được tôn xưng là vườn tháp lớn nhất Việt Nam.
Lễ hội chùa Bổ Đà tổ chức từ ngày 16-18 tháng 2 âm lịch hàng năm để ghi nhớ công lao của các vị thần Phật bảo hộ cho cuộc sống của nhân dân địa phương. Các nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội chùa Bổ Đà hội tụ cả hai yếu tố văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng, là minh chứng của tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, nơi hội tụ của dòng thiền Lâm Tế, Trúc Lâm và tín ngưỡng dân gian bản địa.
Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, hấp dẫn đậm chất thuần Việt với các hoạt động như: Liên hoan hát quan họ huyện Việt Yên, hát quan họ trên thuyền, triển lãm sinh vật cảnh, hội thi viết thư pháp, triển lãm sản vật làng nghề nông sản.